Thủ tướng cũng chỉ rõ, theo kết quả giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và qua tổng hợp báo cáo, quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công… ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước.
Để tiết kiệm các khoản chi, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, địa phương quán triệt yêu cầu triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch…
Yêu cầu này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với các bộ, ngành, địa phương ngay từ những ngày đầu năm mới cho thấy, quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.
Thời gian qua, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, có việc nhiều dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, đầu tư không hiệu quả; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn dù được chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa được thực hiện triệt để, chi phí thường xuyên cho bộ máy vẫn còn khá lớn.
Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chỉ rõ, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công vẫn còn xảy ra. Công tác lập dự toán chi ngân sách nhà nước, đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để, còn lãng phí trong quản lý, sử dụng…
Trong điều kiện ngân sách có hạn, yêu cầu đặt ra, các khoản chi, trong đó chi thường xuyên cần phải được tính toán một cách cẩn trọng, chi ly để dành nguồn chi cho đầu tư phát triển. Muốn vậy, ngay từ những ngày đầu năm này, các bộ, ngành, địa phương cần tuân thủ nghiêm quy định về chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, sớm có kế hoạch cụ thể để thực hiện giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Cắt giảm chi phí cho các cuộc hội họp, "học tập kinh nghiệm" không cần thiết.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, không để lãng phí thất thoát tài sản công. Đặc biệt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước theo đúng dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, đúng định mức chi. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách, gây lãng phí.