Thế hệ tôi có khá nhiều bạn ở các châu lục và tôi đã gặp gỡ nhiều bạn cũ lúc này. Sau khi tay bắt mặt mừng, hỏi nhau thích ăn gì. Trong không gian đầy ắp tình thân, lời thật lòng thật cởi mở: về “nhà” ăn cái gì cũng ngon, cũng ngọt!
Thật ra ngọt, ngon phần do cảm xúc, phần do phù hợp khẩu vị đã là thói quen, nhưng cũng có phần do thực phẩm tươi, sạch. Con cá, con tôm đông lạnh khi rã đông không còn ngon ngọt như mua hàng tươi, sống từ chợ về chế biến. Người tiêu dùng ai cũng biết điều này, nhưng ở các nước tiên tiến sử dụng đồ đông lạnh là chủ yếu, do hoàn cảnh như khả năng cung ứng và giá cả hàng tươi sống và thời gian có hạn.
Người Việt mình ăn uống linh hoạt nhưng tinh tế dù thu nhập chưa cao. Ai không có thời gian, cứ vô hệ thống bán lẻ - địa phương nào cũng có, tha hồ lựa chọn. Món canh chua, món cá kho, món lẩu làm sẵn… rất đạt yêu cầu tiện ích. Có chút thời gian thì tôm, cá, mực làm sẵn cũng tha hồ chọn. Người Việt mình không quá bận rộn như người các nước tiên tiến nên có thời gian lựa chọn và chế biến thức ăn "ngon, bổ, rẻ". Số này ra chợ truyền thống hoặc vô hệ thống bán lẻ của các tổ chức mua hàng tươi, sống.
Có giai đoạn các phương tiện truyền thông góp sức hô hào cho cá tra “Bắc tiến”, tôi rất mong cá phi lê đông lạnh này được đón nhận sôi nổi, mở ra giai đoạn mới cho “báu vật trời cho” này. Nhưng chỉ ồn ào ngắn hạn, trong khi người dân Trung Quốc và người dân Mỹ lại “khoái khẩu” món cá này. Người dân Mỹ mỗi năm tiêu thụ gần 2kg tôm. Dân mình tiêu thụ mỗi năm khoảng 300 - 400 nghìn tấn tôm ở các dạng chế biến. Tính ra dân mình “sang” hơn dân Mỹ, bởi tôm là nguồn thực phẩm tươi ngon bổ và giá… không rẻ, mà mức tiêu thụ trung bình đầu người dân mình gấp rưỡi dân Mỹ! Và dân mình còn hơn ở điểm ăn tôm toàn đồ tươi, sống ngọt ngon, dân Mỹ đa phần ăn tôm đông lạnh, đâu ngọt ngon bằng!
Điểm đáng lưu tâm, mỗi vùng miền nước ta có nguồn thủy sản phù hợp đất, nước, thời tiết ở đó. Lâu đời, dân từng vùng miền cũng quen mắt, quen miệng với thủy sản đã có chung quanh. Nguồn thủy sản mới du nhập, có “tồn tại lâu dài” hay không tùy thuộc vào thói quen, sở thích của cư dân ở đó. Điểm lưu tâm nữa, bây giờ hệ thống giao thông cả nước khá tốt, lên Tây Nguyên cũng thấy bán đầy tôm tươi, cá biển tươi…
Quay lại câu chuyện thủy sản và thị trường nhà. “Bàn tay vô hình” khiến hầu hết nơi có cầu là có cung; thậm chí còn chào mời nguồn cung mới, đó là những mặt hàng thủy sản cao cấp, tập trung cho số người có thu nhập tốt như cá hồi Na Uy, cua hoàng đế Alaska, tôm hùm Canada, bào ngư, hải sâm Korea, trứng cá tầm Nga… Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chuyên môn hóa khá cao. Mảng phân phối chia ra doanh nghiệp chuyên cung ứng hàng nội địa, doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, doanh nghiệp chuyên phân phối…
Có giai đoạn, doanh nghiệp chỗ tôi nghiên cứu thị trường nội địa và hệ thống phân phối, tiêu thụ. Kết luận là phải thành lập doanh nghiệp mới, chuyên chế biến hàng nội địa mới có thể đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp cung ứng thủy sản nội địa đang có. Sở trường đang cần nâng cấp bản lĩnh là chế biến hàng xuất khẩu, thôi thì “đa đoan” quá chưa hẳn là hay. Nói vậy, chớ đâu coi nhẹ thị trường nhà và có không ít doanh nghiệp đi nước đôi; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam có câu lạc bộ doanh nghiệp làm hàng nội địa từ các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.
Thị trường trong nước, trăm triệu dân là không nhỏ, lại gần. Hàng nghìn doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản cung ứng nội địa đã quan tâm, chăm lo khá tươm tất - theo cái nhìn của tôi. Còn ai “vọng ngoại” thì cứ tiếp tục, cho biết đó biết đây... Lý sự làm chi, cái gì cũng có cái lý của nó!