ĐBQH Hoàng Thị Thúy Lan (Vĩnh Phúc):
Cách hiểu chưa thống nhất nên khó thực hiện
Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV cho thấy, Chính phủ đã đã rà soát 523 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 Nghị định, 63 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 217 văn bản của các cơ quan bộ, ban, ngành, Trung ương.

Qua rà soát, riêng trong lĩnh vực đấu giá tài sản, có 27 nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; trong lĩnh vực đất đai, có 61 nội dung bất cập, vướng mắc, trong đó có 30 nội dung liên quan đến Luật Đất đai; trong lĩnh vực tài chính công, tài sản có 9 nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; trong lĩnh vực giám định có 11 vấn đề vướng mắc, bất cập khó tháo gỡ… Với tình trạng này, quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức cũng gặp khó khăn.
Chính phủ đã thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật kịp thời. Tôi đề nghị, với những nội dung còn khó khăn, vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn chồng chéo, nhất là những nội dung có liên quan đến dự án luật đã có kế hoạch sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ cần tích hợp ngay những nội dung này vào dự án luật, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng xây dựng dự án luật và các văn bản hướng dẫn. Nghiên cứu đổi mới việc giải thích, áp dụng văn bản pháp luật trong thực tiễn; Bởi, ngay trong Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng thừa nhận, nhiều luật, nhiều văn bản hướng dẫn không sai, nhưng cách hiểu còn chưa đúng, chưa thống nhất, nên còn gặp khó khăn trong triển khai thực hiên.
ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai):
Kịp thời phát hiện, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo
Hiện nay, hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên và ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, kỹ thuật lập pháp, theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trên thực tế.

Tuy nhiên, trước yêu cầu và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật còn bộc lộ nhiều những hạn chế, bất cập như: Thiếu tính ổn định, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành một thời gian đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn tồn tại những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong một số trường hợp, việc giao ban hành văn bản quy định chi tiết được thực hiện còn chưa kiểm soát chặt chẽ cả về nội dung và chủ thể được giao ban hành. Những hạn chế, bất cập này đã gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của nhà nước trên nhiều lĩnh vực.
Để bảo đảm chất lượng, hiệu lực pháp lý và hiệu quả xã hội, cần thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến, tham vấn chuyên gia, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp; rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn để đề xuất hướng giải quyết. Đổi mới cách tổ chức, xử lý, sử dụng thông tin của việc lấy ý kiến góp ý, phản biện chính sách và pháp luật, đảm bảo khách quan, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, cần thu hút sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách…
Đề nghị, các Bộ, ngành tiếp tục tăng cường công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chủ động lấy ý kiến, nghiên cứu tiếp thu các kiến nghị của địa phương phản ánh về các vướng mắc, bất cập, những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn trong các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An):
Giao trách nhiệm cụ thể cho từng Bộ, ngành
Thực hiện theo yêu cầu tại Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội, cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thành lập Tổ rà soát để tiến hành song song, yêu cầu các cơ quan, đơn vị ở địa phương tiến hành tổ chức rà soát và gửi báo cáo tổng hợp về Chính phủ và Ủy ban Pháp luật. Cách làm này đã huy động được sự tham gia đồng bộ, toàn diện của các cơ quan, đơn vị vào hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, rà soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 22 lĩnh vực.

Báo cáo kết quả rà soát của Chính phủ khá toàn diện, đầy đủ, đã nêu cụ thể những vấn đề cần chú ý qua rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng cần phân định rõ danh mục hoặc phụ lục văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo khác với văn bản có vướng mắc, bất cập. Bởi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo đã có nguyên tắc xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng, văn bản có vướng mắc, bất cập bản chất là triển khai trong thực tế nhưng chưa phù hợp… Do đó, đề nghị cần có phụ lục riêng và đặt ra kế hoạch để xử lý những vướng mắc, bất cập đó, như vậy mới sớm triển khai trong thực tiễn.
Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch được quy định chi tiết tại phụ lục 203 kèm theo Báo cáo Chính phủ không chỉ ra mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong lĩnh vực này. Nhưng, qua rà soát của tỉnh Nghệ An và chúng tôi cũng đã có báo cáo gửi Chính phủ và Ủy ban Pháp luật, trong lĩnh vực quy hoạch có vướng mắc liên quan thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, việc bố trí vốn thực hiện kế hoạch quy hoạch tại Điều 9 Luật Quy hoạch có quy định chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt công bố điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công. Theo quy định của Luật Đầu tư công thì sẽ phải bố trí các khoản kinh phí này ngay từ kế hoạch đầu kỳ, tức là kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nhưng, trong quá trình lập quy hoạch thường phát sinh rất nhiều vấn đề, như vậy nếu chỉ quy định vốn đầu tư công sẽ rất vướng mắc.
Tôi đề nghị, hàng năm các Bộ, ngành nên có kế hoạch rà soát để kịp thời xử lý các văn bản có mâu thuẫn chồng chéo, vướng mắc, bất cập; đồng thời, khi có kết quả rà soát thì cần có kế hoạch cụ thể giao trách nhiệm cho từng Bộ, ngành trong việc sớm tham mưu văn bản để sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập, vướng mắc.
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An):
Quan trọng là xử lý kết quả rà soát như thế nào?
Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện thường xuyên, hàng năm, định kỳ năm theo chuyên đề và theo giai đoạn. Lần này, Quốc hội yêu cầu tiến hành tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm để tháo gỡ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch Covid-19. Nhưng quan trọng là xử lý kết quả rà soát như thế nào? Xử lý có kịp thời không, có phù hợp không, có bảo đảm để tháo gỡ những vướng mắc hay không mới là vấn đề.

Báo cáo của Chính phủ và thực tiễn triển khai thi hành ở cơ sở cũng đều cho thấy, vướng mắc nằm nhiều ở nghị định, thông tư. Điều này có nguyên nhân từ việc chậm ban hành, cũng như có mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Ví dụ, theo Luật Thanh tra hiện hành và nghị định hướng dẫn thi hành Luật thì thanh tra chuyên ngành của các chi cục của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không còn nữa. Tuy nhiên, các nghị định xử phạt hành chính vẫn đang áp dụng, chưa có sửa đổi gì nên ở địa phương rất lúng túng, không biết thanh tra chuyên ngành của các chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp có thẩm quyền này nữa hay không. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành khi có những khó khăn, vướng mắc của các địa phương thì phải sớm có sửa đổi hoặc hướng dẫn để tháo gỡ và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành với nhau.
Các cơ quan xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải cầu thị nhiều hơn nữa, tiếp thu ý kiến nhiều hơn nữa. Văn bản góp ý từ địa phương đối với các dự thảo nghị định, thông tư thường đúc rút từ thực tiễn triển khai, đóng góp rất tâm huyết, rất trách nhiệm. Nhưng, nhiều nội dung chưa được tiếp thu và khi triển khai gặp vướng mắc ngay ở vấn đề đó. Ngoài ra, cần gửi văn bản xin ý kiến của các địa phương đúng theo thời hạn được Luật Ban hành văn bàn quy phạm pháp luật quy định, tránh gửi gấp, gửi sát thời hạn lấy ý kiến khiến các ngành, đơn vị khó có điều kiện đóng góp ý kiến kỹ càng, chi tiết.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà có sai sót thì phải chịu trách nhiệm, phải kiểm điểm, xử lý. Tuy nhiên, mức xử lý cao nhất hiện nay chỉ dừng lại ở kiểm điểm, nhắc nhở, làm giảm hiệu lực, hiệu quả, chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã có một cơ sở chính trị rất cao là Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nói rất rõ về chất lượng công tác ban hành văn bản, cũng như có những thuật ngữ rất mới như tham nhũng chính sách, đưa lợi ích nhóm vào chính sách... Đây là cơ sở để chúng ta nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời, là cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế nước ta trong quan hệ quốc tế.