Các nhà lập pháp Thượng viện đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch cải cách hưu trí, cho phép chính phủ quản lý khoảng 70% tổng đóng góp của người lao động, trong khi các quỹ hưu trí tư nhân sẽ nhận phần còn lại.
Dự luật cải cách hưu trí do Chính phủ đề xuất nhằm củng cố cơ quan quản lý lương hưu nhà nước và mở rộng số lượng người thụ hưởng. Theo dự luật, một phần lương của người lao động, gấp 2,3 lần mức lương tối thiểu, sẽ được chuyển vào hệ thống công, trong khi phần còn lại sẽ chuyển vào hệ thống tư nhân. Các quỹ hưu trí tư nhân hiện nhận được 75% khối lượng đóng góp của người lao động. Tuy nhiên, giờ đây, quỹ tư nhân sẽ phải chuyển 80% số tiền họ quản lý, tương đương khoảng 3,8 tỷ USD hàng năm, cho Quỹ hưu trí nhà nước Colpensiones.
Cuộc cải cách cũng bao gồm thành lập một quỹ tiết kiệm do Ngân hàng Trung ương quản lý để chi trả cho khoản bồi thường lương hưu trong tương lai. Chính phủ ước tính rằng quỹ tiết kiệm sẽ tích lũy tới 320 tỷ USD vào năm 2052, bao gồm cả lợi nhuận tài chính.
Cải cách lương hưu sẽ có hiệu lực vào ngày 1.7.2025 nếu được Hạ viện thông qua. Dự luật này bao gồm phí quản lý lên tới 0,7% đối với tài sản do quỹ hưu trí tư nhân nắm giữ, khoản phí này sẽ thay thế khoản phí trả trước mà người lao động phải trả khi họ đóng góp vào an sinh xã hội. Hiệp hội quỹ hưu trí Asofondos ước tính rằng khoản phí mới sẽ được tính trên tài sản trị giá 49 tỷ USD.
Đối với Tổng thống Petro, sự chấp thuận của Thượng viện thể hiện một chiến thắng cho chính quyền của ông khi tỷ lệ những người không ủng hộ ông đã lên đến 60% trong một cuộc thăm dò gần đây.
Dự luật phải được thông qua trong hai cuộc bỏ phiếu nữa ở Hạ viện. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là những cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục bởi đảng của chính phủ chiếm đa số.