Tác động tích cực từ việc xử lý nghiêm vi phạm
- Tại Kỳ họp thứ 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp tục đưa ra đề nghị về các hình thức kỷ luật đối với các sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng trong một số vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Ông đánh giá như thế nào về các đề nghị này?

- Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 13 rất khách quan, minh bạch, phù hợp với diễn biến, những thông tin bước đầu chúng ta nắm được. Các vấn đề tiếp theo còn triển khai ở các bước khác, do các cơ quan khác thực hiện, nhất là việc thi hành kỷ luật Đảng, Nhà nước phải thực hiện xong quy trình tố tụng, điều tra, có kết quả chính thức để thực hiện được. Đặc biệt, tại Kết luận này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục đề nghị các hình thức kỷ luật đối với các sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng trong một số vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Điều này một lần nữa cho thấy sự quyết liệt của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ", củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Hai năm qua, trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch, hàng vạn y bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an phải trực tiếp vào vùng dịch, nhiều người hy sinh cả tính mạng để cứu đồng bào thì một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho sai phạm. Do vậy, kết luận Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó tiếp tục đề nghị các hình thức kỷ luật đối với các sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng trong một số vụ án này khiến cán bộ, đảng viên càng tin tưởng vào sự kiên quyết của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, xử lý vi phạm.
- Trong thời gian qua, trước một số vi phạm pháp luật của lãnh đạo, cá nhân ở tập đoàn kinh tế lớn được khởi tố, điều tra đã có ý kiến e ngại sẽ tác động xấu đến nền kinh tế. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
- Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã khẩn trương kiểm tra, điều tra để xử lý nghiêm vi phạm trong các vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á; xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm về đấu giá đất, chứng khoán… Đây là những việc làm rất cần thiết và xử lý nghiêm các vụ án nêu trên mang lại nhiều tác động tích cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là với vụ việc liên quan đến thị trường chứng khoán - là một kênh dẫn vốn quan trọng, thể hiện sức khỏe của nền kinh tế mỗi quốc gia.
Việc khởi tố hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo, cá nhân thuộc một số tập đoàn lớn, cũng như cách đặt vấn đề của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kỷ luật Đảng với các cá nhân, cơ quan có liên quan đến những vụ án này là rất đúng đắn. Hành vi vi phạm pháp luật phải bị xử lý. Xử lý càng nghiêm minh sẽ càng củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Ở nơi nào cá nhân làm tốt không được khen thưởng, cá nhân vi phạm pháp luật không bị xử lý thì ở đó mới có tâm lý lo lắng, nhất là với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tôi cho rằng, đại bộ phận doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ở nước ta đều nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Do vậy, cá nhân, pháp nhân nào vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm thì sẽ tạo được niềm tin, sự yên tâm cho nhà đầu tư. Một công ty thành viên của tập đoàn nếu vi phạm pháp luật và có đủ chứng cứ thì phải bị xử lý theo đúng tính chất vi phạm hình sự, dân sự hay hành chính.
Ở đây, tôi cũng lưu ý rằng, Bộ luật Hình sự đưa ra quy định có giới hạn về xử lý hình sự với pháp nhân, chỉ một số lĩnh vực mới đưa pháp nhân ra khởi tố, không phải trong tất cả lĩnh vực. Với quy định pháp luật nghiêm minh và rõ ràng, các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết với hành vi vi phạm, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng khá tích cực trong các ngày gần đây. Thực tế, các nhà đầu tư vẫn mua vào mã cổ phiếu của tập đoàn đó hay doanh nghiệp thành viên.
Khi pháp luật nghiêm minh, các hành vi vi phạm pháp luật bị truy tố, xét xử và tuyên án đúng người, đúng tội sẽ củng cố thêm niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Nếu một hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, đẩy giá lên, thu mua cổ phiếu trở lại mà không bị xử lý nghiêm minh thì sẽ khiến các nhà đầu tư mua cổ phiếu đó đứng trước nguy cơ mất trắng trong nay mai, còn đâu lòng tin với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp bằng pháp luật
- Luật Doanh nghiệp hiện hành đã có nhiều quy định để hướng tổ chức, quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ quốc tế tốt, góp phần nâng cao sức mạnh của lực lượng này. Nhưng các vụ việc cá nhân, pháp nhân vi phạm pháp luật về kinh doanh như vừa qua đặt ra yêu cầu như thế nào về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực này, theo ông?
- Với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới của nước ta hiện nay, quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt của quốc tế sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và lành mạnh của thị trường chứng khoán nói riêng, nền kinh tế nói chung phát triển lành mạnh. Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực hoàn thiện thể chế pháp luật về đầu tư, kinh doanh.
Bên cạnh công cụ pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai một số hình thức xử lý khác nhằm ngăn chặn hành vi sai phạm, tiêu cực trong thời gian qua. Ví dụ như, tại các công trình giao thông đang thực hiện "điểm danh" các nhà thầu, xác định chất lượng thi công, nếu đơn vị nào không bảo đảm chất lượng thi công sẽ bị dừng tham gia đấu thầu các dự án trong thời gian nhất định. Những biện pháp như vậy sẽ giúp ngăn chặn cá nhân, đơn vị lách luật, trục lợi từ lỗ hổng pháp luật.
Tuy nhiên, qua những vụ việc vi phạm đang được điều tra, xử lý cũng cho thấy, phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp luật cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm điều chỉnh được phần lớn các hoạt động của doanh nghiệp bởi quy định pháp luật. Cùng với đó, cần rà soát, chấn chỉnh tình trạng cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản hành chính như thông báo, công văn... can thiệp vào hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục rà soát các văn bản quy định chi tiết, văn bản hướng dẫn thi hành luật do các bộ, ngành ban hành.
- Xin cảm ơn ông!