Nhiều lợi ích...
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tuần làm việc 4 ngày mang lại khá nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Lợi ích dễ thấy nhất là năng suất làm việc tốt hơn. Hiển nhiên, năng suất làm việc phải tăng lên để bù lại ngày làm việc đã mất. Theo các nhà khoa học, có bằng chứng cho thấy, năng suất tổng thể đạt đỉnh cao nhất ở mức 25 - 30 giờ mỗi tuần đối với những người trên 40 tuổi.
Lợi ích tiếp theo là người lao động có xu hướng sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Nhân viên không phải giành nhiều thời gian cho những việc kém hiệu quả như họp hành và ít có khả năng sao nhãng bởi nhiều thứ gây mất thời gian như mạng xã hội hoặc nghỉ giải lao quá nhiều.
Bên cạnh đó là sự hài lòng của người lao động bởi họ có thời gian cho bản thân và gia đình, thay vì gắn bó với đồng nghiệp nhiều hơn gia đình khi số giờ làm việc nhiều như hiện tại. Do ít bị stress và có cuộc sống cân bằng hơn, người lao động hạnh phúc thêm yêu công việc, từ đó tăng động lực và khả năng sáng tạo. Khả năng xây dựng nhóm cũng là một trong những điểm sáng mà tuần làm việc 4 ngày đem lại. Việc chú trọng vào tính hiệu quả có xu hướng giúp các đội, nhóm làm việc trở nên thân thiết, đoàn kết hơn khi mà thời gian tranh cãi vô bổ ít đi, mục tiêu đề ra của toàn đội sẽ tập trung hơn.
Đặc biệt, giảm ngày làm việc còn giúp hạ tỉ lệ thất nghiệp. Theo khái niệm chia sẻ công việc, các công ty có thể lấp đầy thời gian làm việc với nhân viên mới, sử dụng nhiều nhân viên để lấp vào các vị trí tiêu chuẩn dành cho một người.
Cùng với đó, môi trường cũng được hưởng lợi. Tuần làm việc 4 ngày giúp giảm đáng kể lượng khí carbon mà phương tiện đi lại của mỗi nhân viên thải ra trên đường đi làm. Chi phí hoạt động văn phòng cũng ít đi. Nếu tất cả nhân viên không có mặt tại văn phòng thêm một ngày trong tuần, điều đó có thể giúp làm giảm 20% phí bảo trì văn phòng, nhất là tiền điện. Một nghiên cứu năm 2012 do trường kinh doanh Henley thực hiện ước tính, mô hình làm việc 4 ngày sẽ khiến người dân Anh lái xe ít đi 560 triệu dặm mỗi tuần, giúp làm giảm lượng khí thải từ giao thông. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, việc sử dụng máy tính giảm đồng nghĩa với việc giảm năng lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp. Trong cuộc thử nghiệm năm 2019 của Microsoft Nhật Bản, trong một tuần làm việc 4 ngày, công ty giảm được 1/4 tiền điện. Những người nghỉ thứ Sáu in ít hơn 60% giấy. Ở Mỹ, nhiều người cho rằng việc áp dụng thời gian làm việc ngắn hơn có thể cắt giảm 7% lượng khí thải carbon.
Chưa hết, làm việc ít thời gian đi còn mang lại nhiều cải tiến năng suất hơn. Bằng cách khuyến khích các phương pháp tiết kiệm thời gian mới, người lao động có khả năng nghĩ ra nhiều phương pháp mới có năng suất tốt hơn. Theo một số nhà quan sát, tuần làm việc 4 ngày giúp người lao động tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng nhất, ưu tiên làm những việc gì trước. Đó không phải là làm việc với tốc độ nhanh hơn mà là làm việc thông minh hơn.
... nhưng còn không ít rào cản
Tuy nhiên, làm việc tuần 4 ngày cũng có thể mang đến nhiều bất lợi. Hạn chế rõ ràng nhất đối với người sử dụng lao động là những rủi ro khiến người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong thử nghiệm kéo dài 2 năm của Thụy Điển khi giảm 40 giờ làm việc một tuần xuống còn 30 giờ, trong khi vẫn tiếp tục cơ cấu tuần làm việc 5 ngày. Mặc dù nghiên cứu ghi nhận mức độ hài lòng của người lao động cao hơn, nhưng cuối cùng chính sách trên trở nên quá tốn kém để duy trì.
Hơn nữa, không phải ngành nào cũng có thể tham gia vào xu hướng đó. Một số ngành yêu cầu phải có sự hiện diện 24/7, khiến tuần làm việc 4 ngày là phi thực tế. Chưa hết, một nghiên cứu về tuần làm việc của Hà Lan cho thấy, 1,5 triệu người muốn làm việc nhiều giờ hơn nhưng không thể vì công việc không đòi hỏi phải làm chăm chỉ hơn.
Bên cạnh đó, một số công việc đòi hỏi khá tốn thời gian. Như trường hợp ở Pháp, nhiều công nhân có số giờ làm việc giống nhau, điểm khác biệt duy nhất là họ được trả tiền làm thêm giờ. Mặc dù điều đó giúp ích cho người lao động, nhưng đối với doanh nghiệp, việc trả tiền cho giờ làm thêm lại tăng thêm một khoản chi phí khác ngoài khoản chi trả cho “ngày nghỉ” thứ ba trong tuần. Ngoài ra, một số ngành có thể bị ảnh hưởng khi cắt giảm ngày làm việc như lĩnh vực bất động sản văn phòng, vốn được hưởng lợi khi người lao động đi làm nhiều hơn tại công sở.