Ngăn chặn hành vi lạm dụng dữ liệu khách hàng
Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, việc ứng dụng internet và phần mềm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống hàng ngày. Tại đây, các nền tảng kỹ thuật số đóng một vai trò quan trọng và đã dẫn đến sự phát triển của nền kinh tế nền tảng - một nền kinh tế dựa trên kỹ thuật số, nơi các hoạt động được tạo điều kiện thuận lợi bởi các nền tảng trực tuyến, được hỗ trợ bởi lĩnh vực internet đang mở rộng nhanh chóng. Alibaba, Tencent và Ant Financial xếp hạng là ba trong số các doanh nghiệp nền tảng siêu lớn hàng đầu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng và sức mạnh kinh tế mà những "gã khổng lồ" internet này đạt được cũng khiến nhiều người lo ngại về những tác động tiêu cực mà họ có thể gây ra trên thị trường, chẳng hạn độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, sự xâm phạm và nhiều vấn đề khác.
Vì vậy, theo các nhà phân tích, động thái mới đây của các nhà lập pháp liên quan đến vấn đề sửa đổi Luật Chống độc quyền có thể ưu tiên các quy định về nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các điều khoản khiến yêu cầu dữ liệu trở thành tiêu chí quan trọng để xác định vị trí thống lĩnh của một thực thể thị trường. Luật mới nhằm mục đích sửa chữa những bất thường trên thị trường và điều chỉnh tốt hơn các nền tảng trực tuyến khổng lồ, như Alibaba, Ant Group, JD.com, Didi Chuxing, Meituan và Pinduoduo, để doanh nghiệp của họ có thể được đặt dưới một bộ giám sát minh bạch. Luật cũng có thể điều chỉnh cách các công ty nước ngoài trong việc thu nhận và sử dụng dữ liệu của khách hàng Trung Quốc.
Theo ông Yu Xinmiao, Phó Giáo sư tại Đại học Sở hữu trí tuệ Quốc tế Thượng Hải, việc sửa đổi Luật Chống độc quyền của Trung Quốc có thể tập trung vào việc giám sát nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ của nước này, cũng như rút kinh nghiệm từ các đối tác quản lý nước ngoài, chẳng hạn như luật mới ban hành của Đức nhằm mục đích để hạn chế các hành vi phản cạnh tranh.
Phiên bản hiện hành của Luật Chống độc quyền được ban hành vào năm 2008 và nó thường không được áp dụng cho nhiều hoạt động trực tuyến hiện tại. Cơ quan giám sát thị trường của Trung Quốc đã đưa ra dự thảo sửa đổi luật vào năm ngoái để lấy ý kiến công chúng, nhưng dự thảo này vẫn chưa hoàn tất.
Tăng cường giám sát nền kinh tế kỹ thuật số
Ông Chen Danzhou, Phó Giáo sư của Học viện Công nghệ Bắc Kinh ở Chu Hải cho biết, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế trực tuyến đã có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế truyền thống và nguồn vốn hiện đang ngày càng tập trung vào lĩnh vực này. Ông nói: “Việc giám sát nền kinh tế kỹ thuật số đã bị buông lỏng ở Trung Quốc. Mặc dù điều đó đã cho phép lĩnh vực trực tuyến phát triển rất nhanh, nhưng nó cũng đang gây ra sự mất cân đối của cơ cấu kinh tế và cần được thay đổi”. Ví dụ, đã có những trường hợp các công ty internet không báo cáo việc sáp nhập và mua lại cho các cơ quan chính phủ, nhưng các hình phạt hiện tại là quá thấp để ngăn chặn những hành vi như vậy. Ông Chen dự đoán, luật mới sẽ nghiêm ngặt hơn về các thủ tục báo cáo của công ty và tăng hình phạt.
Trong khi đó, ông Yu Xinmiao nhận định luật mới sẽ bao gồm các tiêu chuẩn đa dạng hơn, đặc biệt là về quy mô cơ sở dữ liệu, để xác định vị trí thống lĩnh của một doanh nghiệp, bên cạnh khối lượng tài chính và thị phần. Theo ông, nó cũng có thể đưa ra thuật ngữ mới gọi là vị trí thị trường thuận lợi, thấp hơn vị trí thống lĩnh thị trường nhưng vẫn tạo ra lợi thế thị trường. Vị trí này sẽ dựa trên việc nắm giữ dữ liệu người dùng của các công ty và có thể dùng để tham khảo trong việc giải quyết tranh chấp giữa các công ty internet.
Ông Chen nói: “Luật không nhắm vào bất kỳ công ty trực tuyến cụ thể nào. Thay vào đó, nó sẽ làm cho ngành công nghiệp tiêu chuẩn hóa và lành mạnh hơn bằng cách đề xuất các quy tắc thị trường rõ ràng và minh bạch hơn”, đồng thời nó cũng sẽ cung cấp khả năng bảo vệ cho các nhóm yếu thế trên thị trường, đặc biệt là những đối tượng bị tổn thương bởi các doanh nghiệp trực tuyến.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng, luật mới nếu được hiện thực cũng có thể làm gương cho việc giám sát những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Tesla, những công ty đang gia tăng sự hiện diện của họ tại thị trường Trung Quốc.
“Ví dụ, số lượng khách hàng Trung Quốc của Tesla đang tăng với tốc độ cấp số nhân trong bối cảnh ô tô của họ trở nên có giá cả phải chăng hơn. Khi dữ liệu ngày càng quan trọng hơn, luật mới có thể ngăn công ty Mỹ lạm dụng dữ liệu để loại bỏ các đối thủ tiềm năng”, ông Yu Xinmiao giải thích.
Động thái lập pháp trên tương tự với một số đề xuất của các đại biểu Quốc hội Trung Quốc và các thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Người sáng lập Tencent, tập đoàn sở hữu sở hữu mạng xã hội WeChat với hơn 1 tỷ người sử dụng tại Trung Quốc, ông Pony Ma Huateng, đồng thời là đại biểu Quốc hội Trung Quốc từng phát biểu, các công ty internet nên củng cố đạo đức kinh doanh của mình và đặt sự đổi mới dưới sự giám sát hiệu quả.
Nhà kinh tế nổi tiếng Trung Quốc Li Daokui, cũng là thành viên CPPCC, thì đề xuất Quốc vụ viện Trung Quốc (Chính phủ) có thể dẫn đầu trong việc thành lập một ủy ban giám sát và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, vì ngành công nghiệp kỹ thuật số của đất nước gấu trúc đang phát triển mà thiếu giám sát. Theo ông Li Daokui, ủy ban sẽ giúp cải thiện việc quản lý các nền tảng internet và thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp Trung Quốc trong việc hoạch định các quy tắc của nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.
Tháng 12 năm ngoái, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã phạt Tập đoàn Alibaba và công ty China Literature, công ty được Tencent chống lưng, vì không xin phép trước khi tiến hành một số thương vụ mua lại, vốn là hành vi vi phạm Luật Chống độc quyền. Nước này cũng phạt 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 458.791 USD) đối với nhà bán lẻ giảm giá trực tuyến Vipshop vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Công ty trên bị phát hiện đã điều hành một hệ thống thu thập thông tin về các thương hiệu trên nền tảng của mình và một số khác để đạt được lợi thế cạnh tranh.