Lãnh đạo của các nước thành viên BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh trong các ngày từ 22-24.8.
“Thủ tướng đã nhận lời mời và bày tỏ rằng ông mong đợi chuyến thăm tới Johannesburg để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh”, tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết. Về phần mình, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nói rằng ông mong muốn được đến Ấn Độ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9.
Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những tiến bộ đạt được trong hợp tác song phương, bao gồm các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, được tổ chức trong năm nay, và thảo luận về một số vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, New Delhi cho biết.
Thông báo này được đưa ra sau những đồn đoán gần đây của giới truyền thông rằng ông Modi có thể tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Nam Phi theo hình thức trực tuyến.
Cụ thể, ngày 1.8, tờ Economic Times của Ấn Độ đưa tin rằng chính phủ quốc gia Nam Á đang cân nhắc việc để Thủ tướng Modi tham dự Hội nghị cấp cao của BRICS qua liên kết video khi xét đến “các diễn biến địa chính trị” đã buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Một ngày sau, ngày 2.8, hãng thông tấn Reuters cũng trích dẫn các nguồn tin cho biết ông Modi có thể tham gia sự kiện thường niên của khối BRICS thông qua liên kết video.
Sáng 3.8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Arindam Bagchi, đã từ chối bình luận về những tin đồn, kêu gọi các phóng viên “hãy kiên nhẫn” và không tin vào “các báo cáo phỏng đoán của giới truyền thông”.
Sau nhiều tháng đồn đoán, hồi tháng 7, Văn phòng Tổng thống Nam Phi đã làm rõ rằng ông Putin sẽ không trực tiếp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg sau khi hai bên đạt được một “thỏa thuận chung”.
Ngay sau đó, Moscow đã xác nhận rằng ông Putin sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh BRICS thông qua liên kết video, với đại diện Nga là Ngoại trưởng Sergey Lavrov. Điện Kremlin cho biết, mặc dù tham gia trực tuyến, nhưng đóng góp của nhà lãnh đạo Nga cho Hội nghị Thượng đỉnh sẽ là “toàn diện”.
Ông Putin là đối tượng của lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát ra hồi tháng 3. Moscow đã bác cáo mọi cáo buộc và không công nhận quyền tài phán của tòa án này vì Nga không phải là bên tham gia ICC.
Nhưng Nam Phi lại khác. Là một bên ký kết Quy chế Rome về thành lập ICC, quốc gia ở “lục địa đen” có trách nhiệm bắt giữ Tổng thống Nga nếu ông đặt chân lên đất nước này.