Nhiều quy định làm khó doanh nghiệp
Sau vụ cháy một số quán karaoke và ngành chức năng siết chặt công tác phòng cháy chữa cháy từ cuối năm ngoái, hiện rất nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai gặp khó khăn trong xây dựng mới nhà xưởng để mở rộng sản xuất kinh doanh, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai cho biết.
Đáng chú ý, đại diện doanh nghiệp cho biết, năm 2022 xây thêm kho chứa hàng 3 tầng và văn phòng. Công trình đã thi công xong, lắp đặt đầy đủ trang thiết bị PCCC theo yêu cầu, nhưng khi nộp hồ sơ nghiệm thu không được chấp nhận với lý do không kiểm định được sơn không cháy cho kèo thép tầng 3.
“Vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp là sơn chống cháy”, nhiều doanh nghiệp nói. Một phần vì chi phí rất cao, bao gồm cả chi phí kiểm định lẫn xây dựng (ước tính chiếm khoảng 1/3 kinh phí xây dựng của công trình trong khu công nghiệp). Để kiểm nghiệm được sơn này thì gần như chưa có giải pháp. Hệ quả là công trình xây dựng xong nhưng không hoạt động được, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh, trong đó rất nhiều doanh nghiệp FDI. Đáng ngại hơn, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Chưa kể, theo đại diện doanh nghiệp, quy định kiểm định vật phẩm chống cháy phức tạp, trong khi đó chỉ có 2 đơn vị tại Hà Nội là Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) và Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) được cấp phép kiểm định nên các doanh nghiệp phía Nam phải gửi mẫu phẩm ra Hà Nội để kiểm định, gây mất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp trong ngành nhựa cho biết, để xây dựng một nhà xưởng khoảng 10.000m2, chỉ tính riêng chi phí cho phòng cháy chữa cháy đã lên tới 5 - 7 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, đơn hàng sụt giảm làm khó khăn về nguồn tiền.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, bổ sung, Quy chuẩn quốc gia 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình quá cao vì lấy tiêu chuẩn của các nước tiên tiến để áp dụng cho Việt Nam. Chẳng hạn, hệ thống ống gió trước đây cần bọc amiang thì hiện yêu cầu phải bọc thạch cao chống cháy làm gấp đôi giá thành.
Liên quan thẩm định các vật liệu PCCC, ông Hiệp nêu rõ, công trình nào cũng yêu cầu có các cửa thép chống cháy đòi hỏi tiêu chuẩn EI70 nhưng phương pháp kiểm định lẽ ra cấp chứng chỉ cho nơi nhập khẩu lô hàng thì lại thẩm định theo công trình vừa lãng phí vừa tốn thời gian của các bên.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp, nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC được ban hành và sửa đổi trong thời gian ngắn, không có thời gian chuyển tiếp dẫn đến việc nắm bắt, tuân thủ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, Thông tư số 02/2021/TT-BXD về QCVN 06:2021/BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 19.5.2021 và có hiệu lực từ ngày 5.7.2021 nhưng đến ngày 30.11.2022, Thông tư số 06/2022/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình được ban hành để thay thế Thông tư số 02/2021/TT-BXD và có hiệu lực từ ngày 16.1.2023.
Bên cạnh đó, còn có Thông tư số 123/2021/TT-BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về "Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy" do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành ngày 28.12.2021 và có hiệu lực từ ngày 28.6.2022.
Như vậy, chỉ trong khoảng 18 tháng đã có 3 văn bản quy định về các quy chuẩn trong hoạt động PCCC được ban hành với các sửa đổi/bổ sung/thay thế khiến việc tìm hiểu và tuân thủ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chính sách nên hài hòa
Từ những khó khăn trên, các doanh nghiệp kiến nghị, để tạo thuận lợi cho việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC, cần giới hạn quy định bọc vật liệu chống cháy vào kết cấu thép với các công trình đặc thù như quốc phòng, hóa chất hay sản xuất các vật liệu có nhiệt độ nóng chảy cao hơn thép. Các nhà máy, công trình thông thường được áp dụng các quy định phù hợp hơn. Cùng với đó, cần phân loại các công trình theo chức năng để có các quy định PCCC phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong thực tế, các vụ cháy ở nhà máy, cơ sở sản xuất không nhiều và gây thiệt hại không đáng kể.
Theo một số doanh nghiệp, đối với các doanh nghiệp FDI vốn có sẵn tiềm lực tài chính, việc đầu tư bảo đảm PCCC không phải là chuyện khó. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam đa số là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, chi phí đầu tư này là một bài toán lớn. Chính sách nên hài hòa trên nguyên tắc vừa bảo đảm PCCC vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp. Muốn vậy, mấu chốt là các bên, gồm cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội cần ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung.
Chia sẻ với ý kiến trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh “tính mạng con người là quan trọng song cần xem xét phù hợp điều kiện kinh tế của Việt Nam”. Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần rà soát lại các tiêu chuẩn quốc gia, tránh đặt quá cao vừa làm khó doanh nghiệp vừa gây lãng phí nguồn lực.