Hỏi: Anh M, công dân Việt Nam, cư trú tại xã biên giới của tỉnh Tây Ninh, có yêu cầu đăng ký kết hôn với chị B, công dân Campuchia, cư trú tại xã biên giới của tỉnh Kampong Cham, Campuchia. Cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn anh M và chị B thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn như thế nào?
Trả lời:
Về thẩm quyền, theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, thẩm quyền đăng ký kết hôn đối với trường hợp này thuộc UBND cấp xã nơi anh M cư trú.
Về thủ tục đăng ký kết hôn, theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại tại UBND cấp xã. Hồ sơ đăng ký kết hôn bao gồm: tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu; hai bên nam, nữ có thể sử dụng 01 tờ khai chung; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của công dân Campuchia do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp còn giá trị sử dụng, xác nhận hiện tại người đó không có vợ, không có chồng hoặc đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật Campuchia; công dân Campuchia phải nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân (hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu), giấy tờ chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân Campuchia; công dân Việt Nam phải xuất trình giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng).
Hỏi: Bà A, sinh năm 1961, chung sống như vợ chồng với ông H, sinh năm 1959, từ năm 1982. Hai người chỉ tổ chức lễ cưới theo phong tục tập quán địa phương, không đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Nay bà A và ông H muốn đăng ký kết hôn để làm một số thủ tục liên quan đến đất đai, cần thực hiện thủ tục gì đăng ký kết hôn?
Trả lời:
Trường hợp này được xác định là hôn nhân thực tế. Nay đương sự có nhu cầu đăng ký kết hôn thì thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định tại Khoản 2, Điều 44, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Hồ sơ đăng ký kết hôn được áp dụng tương tự như các trường hợp đăng ký kết hôn thông thường tại UBND cấp xã.
Ngày, tháng, năm xác lập quan hệ hôn nhân được xác định là ngày, tháng, năm bà A và ông H bắt đầu chung sống với nhau và được ghi vào mặt sau của Giấy chứng nhận kết hôn.
Hỏi: Chị N và anh P đăng ký kết hôn từ năm 1998 tại UBND xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, do bị lũ lụt nên bị mất bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Anh P và chị N có nhờ em trai là anh B đến UBND xã Chí Tiên đề nghị được cấp bản sao từ Sổ đăng ký kết hôn, nhưng UBND xã Chí Tiên cho biết không còn lưu giữ được Sổ đăng ký kết hôn. Vậy anh P và chị N phải làm thủ tục gì để được cấp lại Giấy chứng nhận kết hôn?
Trả lời: Trong trường hợp không còn bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ đăng ký kết hôn cũng không lưu giữ được, nên đủ điều kiện để đăng ký lại việc kết hôn. Công chức tư pháp - hộ tịch hướng dẫn chị N và anh P chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục đăng ký lại việc kết hôn theo quy định của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP.
Trong hồ sơ đăng ký kết hôn, ngoài các giấy tờ chứng minh về nhân thân, cư trú, chị N và anh P cần nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây (nếu có); trường hợp không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn. Khi đăng ký lại việc kết hôn, cả chị N và anh P phải cùng có mặt tại UBND cấp xã để ký vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Ngày, tháng, năm xác lập quan hệ hôn nhân giữa chị N và anh P được xác định là ngày, tháng, năm đăng ký trước đây, được ghi vào mặt sau của Giấy chứng nhận kết hôn.
(Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tư pháp, UNFPA và Vital Strategies)
Ý kiến bạn đọc