Khó xem xét trách nhiệm
Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định hiện hành, Chính phủ chỉ thực hiện việc đề xuất, xây dựng và trình dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Nhất, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới là cơ quan chỉ đạo chỉnh lý dự án luật và chịu trách nhiệm trực tiếp báo cáo Quốc hội về kết quả giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Hai.
Trong quá trình chỉnh lý giữa hai kỳ họp, nhiều trường hợp, nội dung dự thảo sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đã có những chỉnh sửa khác so với dự thảo Chính phủ trình. Nhiều chính sách, quy định mới được bổ sung so với dự thảo đã được thẩm định, thẩm tra. Trong trường hợp các chính sách, quy định đó được ban hành mà chưa bảo đảm tính khả thi, hợp lý thì không thể xem xét trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan thẩm định, thẩm tra.
“Cũng từ cơ chế này mà một số cơ quan soạn thảo chưa đề cao trách nhiệm trong việc tham gia, chỉnh lý dự án, dự thảo sau khi trình. Có không ít cơ quan soạn thảo cho rằng khi dự án, dự thảo đã chuyển sang Quốc hội thì việc chỉnh lý, hoàn thiện thuộc trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội nên trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản chỉ tham gia trong chừng mực nhất định”, Tờ trình của Bộ Tư pháp nhận định.
Cũng theo Bộ Tư pháp, quy định hiện hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 chưa tạo điều kiện cho cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan trình dự án luật được trình bày và bảo lưu quan điểm của mình trong quá trình trình dự án luật đến khi được Quốc hội thông qua. Điều này làm giảm vai trò, trách nhiệm của chủ thể trình dự án luật, pháp lệnh.
Phân định rõ trách nhiệm các cơ quan trong quy trình xây dựng pháp luật
Kết luận số 21-KL/TW ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã xác định: “Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”.
Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một người chủ trì và chịu trách nhiệm, trên cơ sở chủ trương của Đảng về việc đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền về kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đề nghị, cần thiết phải phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình.
Theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình hoặc ban hành về tiến độ, chất lượng, việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia, phản biện xã hội, thẩm định, thẩm tra trong quá trình chỉnh lý hồ sơ chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do mình lập hoặc soạn thảo.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao tính chủ động và trách nhiệm đến cùng, bảo đảm được tính liên tục trong suốt quá trình xây dựng dự án, từ đề xuất, soạn thảo, trình cho đến khâu chỉnh lý dự thảo, đồng thời, bảo đảm tốt hơn việc thi hành luật sau khi được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật quy định cơ quan trình chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật, Tờ trình của Bộ Tư pháp nêu rõ.
Theo Nghị quyết Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025) theo quy trình một kỳ họp.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Soạn thảo dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khẳng định, xây dựng chính sách là công đoạn tiền đề để quy phạm hóa các chính sách và xây dựng luật, do vậy sáng kiến chính sách phải gắn với chủ thể trình luật. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, cần tăng cường tính công khai, minh bạch tại dự thảo luật thông qua việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, không để lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.
Luật sửa đổi lần này cần quy định rõ việc phải đánh giá tác động chính sách thực chất, không thể bỏ qua ý kiến các đối tượng như: Mặt trận Tổ quốc, cơ quan nhà nước liên quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân là đối tượng chịu tác động. Đối với từng nhóm thì hình thức lấy ý kiến khác nhau và phải có giải trình rõ ràng, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.