Thiếu lao động tại các thủ phủ công nghiệp
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, Trung tâm vừa tổ chức sàn việc làm lần thứ 7 năm 2024 (ngày 10.6); nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là hơn 3.500 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông nhưng chỉ có 400 lao động tham gia tìm hiểu thông tin việc làm.
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, đang rất "khát" lao động phổ thông chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, giày da, điện, cơ khí như Công ty Cổ phần TKG Taekwang Vina, Nhà máy Bê tông đúc sẵn Hùng Vương, Công ty CP Viễn thông FPT, Công ty TNHH Fashion Garments 2, Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai, Công ty TNHH Vision International…
Trong đó, Công ty Cổ phần TKG Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) tuyển 1.000 công nhân. Được biết, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng để mở rộng sản xuất với mức thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Fashion Garments 2 (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) tuyển 500 công nhân… Công ty TNHH Vision International (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) chuyên sản xuất gậy đánh golf cũng tuyển dụng 1.000 công nhân.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, sắp tới, cần một lượng lớn lao động kỹ thuật, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn phù hợp thì người lao động cần có trình độ tiếng Anh.
Cũng trong tình trạng khát nhân lực như Đồng Nai, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, 6 tháng đầu năm, có 3.210 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 40.000 lao động. Dự kiến 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tuyển thêm 30.000 lao động. Tình hình lao động, việc làm trên địa bàn đã ổn định hơn so với đầu năm; tuy vậy, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã "tìm đủ mọi cách" vẫn không thể tuyển dụng đủ lao động phục vụ sản xuất; thậm chí, có doanh nghiệp đã đưa cả nhân sự ra trước cổng công ty để tuyển dụng nhưng lượng người đến xin việc vẫn khá thưa thớt.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ dân số vùng Đông Nam Bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 6,6%, nhưng lại không đồng đều giữa các tỉnh, thành. TP. Hồ Chí Minh đứng đầu với khoảng 9,8% dân số có trình độ đại học, tiếp đó là Bà Rịa - Vũng Tàu với 4,8%, Đồng Nai có 3,5%, Bình Dương có 2,7%. Những tỉnh còn lại đều có tỷ lệ thấp hơn nhiều.
Hầu hết ngành kinh tế - xã hội đòi hỏi sự cải thiện về chất lượng nhân lực, trong đó có những ngành sản xuất, dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao, như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí, du lịch, y tế, giáo dục, thương mại, logistics…
Bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực
Theo Giám đốc Falmi Nguyễn Hoàng Hiếu, các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ đang thay đổi mô hình thu hút đầu tư và tăng trưởng. Dự báo nhiều năm tới, Đông Nam Bộ vẫn là thị trường thu hút nhiều lao động nhưng phải có trình độ cao thay vì lao động phổ thông. Do đó, cả cơ sở đào tạo và người học cần phải tuân theo quy luật của thị trường lao động, đó là luôn bảo đảm chất lượng đào tạo và tay nghề.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để giữ chân và thu hút lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần có chế độ lương, phúc lợi thỏa đáng. Đồng thời, doanh nghiệp cần tạo môi trường về an toàn vệ sinh lao động cũng như tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động nâng cao tay nghề.
Là một trong những địa phương có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước với 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động, định hướng của tỉnh Đồng Nai sẽ là ưu tiên thu hút những dự án đầu tư có chất xám cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, sử dụng ít lao động phổ thông, đẩy mạnh tự động hóa.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực này, toàn tỉnh có 6 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp đào tạo nhiều ngành nghề. Trong đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao đang là yêu cầu cấp bách bởi thị trường lao động thiếu rất lớn đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng mềm tốt.
Còn tại Bình Dương, nhằm giúp doanh nghiệp trong việc bổ sung nguồn lao động thiếu hụt, ngành chức năng tại tỉnh cũng bố trí nhân sự tư vấn, giới thiệu việc làm cho các trường hợp đến đăng ký nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội; ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc để kết nối với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.
Bên cạnh đó, từ năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương. Điều này góp phần duy trì sự ổn định đội ngũ công chức, viên chức sau hơn 4 năm triển khai. Ngoài ra, Bình Dương dự kiến sẽ bổ sung chế độ thu hút lao động có trình độ đến làm việc tại địa phương với mức thu nhập và đãi ngộ hấp dẫn, cụ thể: tiến sĩ ở mức 200 triệu đồng, thạc sĩ 150 triệu đồng, đại học 100 triệu đồng, trung cấp và cao đẳng cùng mức 50 triệu đồng.
Chính sách thu hút nhân lực hấp dẫn và sự "đổ bộ" không ngừng của làn sóng FDI vào các khu công nghiệp kéo theo nguồn lao động lớn về sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có thể kể đến dự án phát triển thành phố thông minh Bình Dương, dự án thành lập cụm công nghiệp "Net Zero" tại cụm công nghiệp Tam Lập 2, đặc biệt là nhà máy LEGO sắp đi vào hoạt động với dự kiến tuyển dụng đến 4.000 lao động.