Tỷ trọng thuế rượu, bia phải chiếm 40% giá bán lẻ
Bà Nguyễn Thúy Anh, Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định, thuế suất đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%; rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%. Mặc dù mặt hàng bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016 - 2018, tuy nhiên, sức mua vẫn tăng do thu nhập tăng nhanh trong khi giá bán tăng chậm.
Hiện, thuế và giá rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thuế rượu, bia của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40 - 85% giá bán lẻ. Do vậy, trước mắt, cần tiếp tục tăng thuế để tăng giá bán lẻ rượu, bia. Ít nhất, tỷ trọng thuế rượu, bia phải chiếm 40% giá bán lẻ nhằm hạn chế tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần bảo đảm thu ngân sách.
Hiện tại, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình. Phương án 1: Với rượu từ 20 độ trở lên, năm 2026 sẽ áp dụng thuế suất 70%; 2027 là 75%; 2028 là 80%, 2029 là 85% và đến năm 2030 mức thuế này sẽ là 90%. Đối với rượu dưới 20 độ, thuế suất năm 2026 - 2030 sẽ ở mức 40 - 60%. Đối với mặt hàng bia, kể từ 2026 - 2030, mỗi năm sẽ tăng thêm 5% để đến năm 2030 đạt thuế suất 90%.
Với phương án 2, rượu từ 20 độ trở lên sẽ có mức thuế 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030. Với rượu dưới 20 độ, thì mức thuế 50% được triển khai từ năm 2026 và đến năm 2030 đạt mức 70%. Riêng mặt hàng bia, từ năm 2026 - 2030 sẽ tăng 5%/năm, đạt mức 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030. Sau khi đánh giá tác động chính sách, Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.
Hai năm tăng thuế một lần là hợp lý
Các ý kiến tại tọa đàm đồng tình với quan điểm sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu dùng rượu bia.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam cho rằng, mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh sẽ khiến doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế và rơi vào thua lỗ. Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia. Do đó, ông Việt đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế phù hợp hơn với tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Hai năm tăng thuế một lần là hợp lý”, ông Việt nói.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đột ngột có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu sắc thuế này đề ra. Mức tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe… Vì vậy, quá trình thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế. Cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp để đáp ứng điều tiết cho nhóm đồ uống có cồn theo đặc thù của từng nhóm.
Ngoài ra, theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Nhà nước cần đưa tất cả sản phẩm rượu người dân nấu thành sản phẩm chính thống mới có thể quản lý, hạn chế được các sản phẩm kém chất lượng. Nếu làm được điều này vừa lợi cho ngân sách nhà nước, vừa hài hòa lợi ích các nhà máy sản xuất rượu bia và bảo đảm sức khỏe người dân.