Tham dự có: Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch QH, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; các Ủy viên UBTVQH, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, lãnh đạo VPQH, đại diện lãnh đạo các Ban, Viện của UBTVQH; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan cùng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương.
Đề nghị không quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư các dự án thay cho HĐND
Trình bày báo cáo tóm tắt về một số vấn đề lớn về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết: về quy định thẩm quyền cho Thường trực HĐND, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị không quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư các dự án thay cho HĐND trong thời gian không diễn ra kỳ họp HĐND, bảo đảm thực hiện theo đúng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Mặt khác, dự thảo Luật mới đã phân cấp mạnh về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư so với Luật Đầu tư công hiện hành. Theo đó, số lượng các dự án phải trình sẽ giảm nhiều. HĐND cáp tỉnh chỉ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A và chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, dự án nhóm B, nhóm C đã được phân cấp thuộc thẩm quyền của quyết định của UBND. Vì vậy, đề nghị không quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND như đề xuất của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tóm tắt về một số vấn đề lớn về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) |
Tuy nhiên, Chính phủ và một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND tại điều 88 của dự thảo Luật và tiếp thu ý kiến ĐBQH theo hướng chỉ giao Thường trực HĐND xem xét, quyết định một số nhiệm vụ có tính chất cấp bách thuộc thẩm quyền của HĐND, vừa bảo đảm giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư chương trình, dự án đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quy định trách nhiệm báo cáo HĐND để giám sát.
Đối với quy định tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, một số ý kiến ĐBQH đề nghị không tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Trường hợp cần thiết, đối với dự án đầu tư công cụ thể thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị chỉ tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong trường hợp cần thiết với các dự án lớn từ nhóm A trở lên. Theo đó, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Chính phủ đề nghị bổ sung tại khoản 1, điều 5 quy định, trường hợp cần thiết tách riêng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng độc lập, QH xem xét, quyết định việc tách riêng đối với dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc tách riêng đối với với dự án nhóm A thuộc thẩm quyền. Đồng thời, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị bỏ khoản 6 điều 5 và khoản 2 điều 6 của dự thảo Luật quy định về nội dung này. Tuy nhiên, tại báo cáo số 107/BC-CP, Chính phủ đề nghị quy định rõ đối tượng đầu tư công bao gồm: đầu tư bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch, phục vụ đấu giá theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu như quy định tại khoản 5, điều 5 của dự thảo Luật mới.
ĐBQH Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) phát biểu tại hội nghị |
Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng, có thể tách riêng giải phòng mặt bằng của dự án đầu tư thành dự án riêng nhưng đây chỉ là giải pháp đối với dự án lớn, nếu dự án nào cũng được tách ra thành 2 dự án và lập báo cáo khả thi riêng của hai dự án là hoàn toàn không đúng tiêu chí, không hợp lý. Báo cáo khả thi là căn cứ về dòng tiền, chi phí, trong đó có dòng tiền từ giải phóng mặt bằng, nếu tách ra thì làm sao báo cáo khả thi? đại biểu đặt vấn đề. Khẳng định, vẫn có thể tách như dự thảo Luật tuỳ theo tiêu chí dự án, nhưng sau khi báo cáo khả thi đã được phê duyệt, tránh tình trạng giải phóng mặt bằng xong rồi lại không làm, ĐB Nguyễn Hữu Quang lưu ý.
ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phát biểu tại hội nghị |
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phân tích, thời gian qua, có nhiều dự án bị chậm tiến độ, làm phát sinh chi phí đầu tư làm ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả đầu tư. Điều này có nguyên nhân từ việc chậm trễ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Nhấn mạnh bất cập, tồn tại này cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua. Trên sơ sở đó, ĐB Nguyễn Thanh Xuân tán thành với quy định đầu tư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch, phục vụ đấu giá theo quy định của Luật Đất đai và Luật Đấu thầu như dự thảo Luật. Tuy nhiên, để quy định này phát huy hiệu quả trên thực tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể cơ cấu nguồn vốn hợp lý để không làm phân tán nguồn lực và không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quan điểm việc đền bù giải phóng mặt bằng là phải gắn với dự án, để phù hợp với Luật Đất đai, giải phóng mặt bằng phải gắn với việc sử dụng đất. Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính và Ngân sách và Chính phủ như quy định tại dự thảo Luật, Phó Chủ tịch QH cho rằng chỉ nên đồng ý việc tách riêng dự án với công trình đặc biệt, cụ thể và chỉ với dự án nhóm A. Bởi nếu cho phép tách riêng cả với dự án nhóm B, C thì sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng đến thực hiện Luật Đất đai.