Điểm rất mừng là có sự đồng thuận, thống nhất cao
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV (tháng 10.2021), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, đây là dự án Luật rất khó, quy mô rất đồ sộ và tính chuyên môn sâu. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đến thời điểm này, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật là một bước tiến lớn. Các vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cơ bản đã đạt được sự đồng thuận, nhất trí giữa cơ quan trình, cơ quan thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, dự thảo Luật trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này đã được tiếp thu và giải trình cơ bản rất kỹ, trong đó tăng 11 điều; có 12 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật liên quan gồm: Luật Hải quan; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Giá, nhằm bảo đảm tính đồng bộ với nội dung sửa đổi của Luật Khoa học và Công nghệ và cách sửa như thế này cũng phù hợp với Khoản 2, Khoản 3, Điều 13 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Qua nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật tại Kỳ họp thứ Hai cũng như báo cáo một số vấn đề lớn để chuẩn bị giải trình, tiếp thu với Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thấy rằng: “Điểm rất mừng là sự đồng thuận rất cao" giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ), cũng như các bộ có liên quan đối với dự thảo Luật này. "Mặc dù đây là dự án luật rất khó nhưng cuối cùng chúng tôi có trao đổi với các chuyên gia cũng như một số cơ quan quản lý nhà nước thì thấy đồng thuận rất cao, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tin tưởng trình ra Quốc hội trong thời gian tới”, ông Huy khẳng định.
Phát huy hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ
Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 86 và Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 37 và Khoản 38 Điều 1 của dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với phần sở hữu công nghiệp và phần giống cây trồng, dự thảo Luật đã quy định việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì (Điều 86a, Điều 164). Đồng thời, xác định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW (các Điều 133a, 135 và 136a, 191, 191a, 191b và 194).
Đối với đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì với một số đối tượng của quyền tác giả, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế và đặc thù của đối tượng quyền tác giả. Đối với các chương trình, phần mềm máy tính gắn liền với các thiết bị, máy móc được bảo hộ dưới dạng sáng chế, thiết kế bố trí để vận hành các thiết bị, máy móc đó thì có thể áp dụng cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước.
Nhất trí với báo cáo của Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, đặc biệt là phát huy hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Trước đây chúng ta thường chủ yếu tập trung vào phần “thượng nguồn” là nghiên cứu, bây giờ mang kết quả nghiên cứu đó để thương mại hóa, đưa vào đời sống kinh tế - xã hội. Và Điều 86a dự thảo Luật thực ra là luật hóa một số quy định ở các văn bản hướng dẫn pháp luật về khoa học, công nghệ, ví dụ như Nghị định 08/2014/NĐ-CP, Nghị định 70/2018/NĐ-CP, quy định rõ thù lao tác giả bao nhiêu, phân chia cho môi giới thế nào, còn lại ra làm sao… Theo Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy, đây là hướng xử lý rất tích cực.
Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung Khoản 6 vào Điều 139, sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 4, Điều 194 dự thảo Luật theo hướng: Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cân nhắc quy định mức trả thù lao tối đa cho tác giả, để bảo đảm sự chặt chẽ, tránh có sự "thông đồng" giữa tác giả và tổ chức chủ trì. Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cũng nêu vấn đề, trong dự thảo Luật quy định chỉ chuyển giao kết quả nghiên cứu từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ bằng ngân sách nhà nước cho bên Việt Nam, cụ thể ở đây là cho các tổ chức được thành lập theo pháp luật của Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi: Nếu những kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị chuyển giao cao thì tại sao lại phải hạn chế không chuyển giao cho nước ngoài mà chỉ chuyển giao cho các đối tác Việt Nam?
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là vấn đề cần cân nhắc thận trọng, bởi mục đích của chúng ta khi thương mại hóa là để phát huy giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước, trước hết là phục vụ cho lợi ích của đất nước, của quốc gia, của nhân dân, không hoàn toàn chúng ta bán bản quyền phát minh hay quyền sở hữu kết quả nghiên cứu mà đây là chuyển giao quyền đăng ký để thương mại hóa.
Về khía cạnh an ninh quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, dự thảo Luật không hạn chế chuyển giao cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, tức là doanh nghiệp có pháp nhân Việt Nam. Mặc dù đấy là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nhưng thành lập theo pháp luật Việt Nam thì vẫn được chuyển giao bình thường. Nhưng chuyển giao ra nước ngoài cần hết sức cân nhắc kỹ lưỡng. “Đó cũng là vấn đề chúng tôi tiếp tục nghiên cứu để cần thiết sẽ có giải trình cho rõ hơn”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ bằng ngân sách nhà nước cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong kỳ họp vừa qua. Làm thế nào để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của nhân dân là vấn đề được Bộ Khoa học và Công nghệ rất trăn trở, cân nhắc trong vấn đề mở rộng việc thương mại hóa và chuyển giao công nghệ ra nước ngoài.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét tìm ra cơ chế, quy định để có thể chuyển giao được những kết quả nghiên cứu từ nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước dưới dạng chuyển giao công nghệ hoặc thương mại hóa ra nước ngoài để có thể tạo những nguồn thu lớn hơn, tốt hơn nhưng vẫn bảo đảm được quyền lợi của quốc gia, dân tộc.