Cải cách thể chế trong nước là yếu tố nền tảng
Theo TS. Bùi Hải Thiêm, Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách pháp luật phục vụ cho việc giám sát và thực thi các cam kết về môi trường và trách nhiệm xã hội trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)”, tiến trình hội nhập quốc tế và cải cách thể chế kinh tế tại Việt Nam luôn có mối tương quan chặt chẽ với nhau.
Trong đó, cải cách thể chế trong nước là yếu tố nền tảng, có ý nghĩa quyết định để bảo đảm tính chủ động và hiệu quả trong hội nhập quốc tế. Ở chiều ngược lại, hội nhập quốc tế cũng là chất xúc tác, là động lực để đẩy nhanh hơn, mạnh hơn các nỗ lực cải cách thể chế trong nước. Vì là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, công tác xây dựng pháp luật để thực thi CPTPP và EVFTA tại Việt Nam trở thành điểm khác biệt nổi bật so với các hiệp định thương mại trước đó. Khi hội nhập ngày càng sâu rộng hơn và thực thi các cam kết hội nhập, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cam kết sâu hơn, có tính ràng buộc cao hơn tác động của quá trình này có thể ảnh hưởng đáng kể tới không gian chính sách của nước ta.
Về mặt pháp lý, chủ thể thực hiện các cam kết, ràng buộc quyền và nghĩa vụ trong CPTPP và EVFTA là các bên tham gia, tức là các Nhà nước, nước thành viên đã ký và phê chuẩn Hiệp định. TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội cho biết, để bảo đảm thi hành một điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia, cần phải chuyển hóa điều ước đó vào hệ thống pháp luật quốc gia bằng những quy định pháp luật trong nước cụ thể, hay còn gọi là “nội luật hóa”.
Điều 6 Luật Điều ước quốc tế quy định: “Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó”.
Như vậy, Việt Nam ghi nhận cả hai cách thức thực hiện điều ước quốc tế (áp dụng trực tiếp hoặc áp dụng gián tiếp điều ước quốc tế), đồng thời cũng ghi nhận trách nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch Nước và Chính phủ trong việc xem xét và quyết định cách thức thực hiện đối với từng loại điều ước khác nhau, trong đó, chỉ những điều ước nào quy định đã đủ rõ, đủ chi tiết mới tiến hành áp dụng trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đều được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam thông qua con đường nội luật hóa.
Tăng cường giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế
Theo TS. Hoàng Thị Lan (Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội) đối với hoạt động giám sát về việc thực thi các cam kết quốc tế nói chung, và CPTPP, EVFTA nói riêng, đến nay có thể kể đến giám sát chuyên đề về: “Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về chủ đề này sau 25 năm Việt Nam tham gia và thực thi các FTA. Chuyên đề giám sát được thực hiện để khẳng định vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định và để thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TW ngày 05.11.2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới”.
Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về công tác sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật và tổ chức thực hiện để bảo đảm thực thi các cam kết theo các FTA nói chung và CPTPP nói riêng. TS. Hoàng Thị Lan nhìn nhận, về cơ bản, các văn bản pháp luật được ban hành kịp thời để “nội luật hóa” cam kết của CPTPP, bảo đảm tính minh bạch, phù hợp, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Đối với EVFTA, do mới được phê chuẩn chưa được hai năm nên chưa có hoạt động giám sát độc lập của Quốc hội về việc thực hiện các cam kết theo EVFTA. Mặc dù chưa được tiến hành giám sát, nhưng trong phạm vi khảo sát, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiếp nhận được những ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, rào cản liên quan đến chính sách đang cản trở việc tận dụng những ưu đãi mà các FTA đem lại. Công tác khảo sát này cũng sẽ hỗ trợ các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đối với việc thực thi các cam kết theo CPTPP và EVFTA và các hoạt động thẩm tra, xem xét các văn bản pháp luật có liên quan trong quá trình “nội luật hóa”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật theo các cam kết quốc tế vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai FTA thế hệ mới còn chậm tiến độ, các biện pháp tổ chức thực hiện FTA chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhất là công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết.
Do đó, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc cam kết thực hiện các FTA nói chung, CPTPP và EVFTA nói riêng, trước hết phải tăng cường giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, xác định giá trị pháp lý của các nghị quyết sau giám sát chuyên đề; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Đối ngoại trong hoạt động thẩm tra các dự thảo luật, nghị quyết, nghị định được ban hành để thực thi các cam kết theo CPTPP và EVFTA. Xây dựng kế hoạch giám sát theo lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế; xây dựng quy chế quan hệ phối hợp giữa Ủy ban Đối ngoại với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác trong hoạt động giám sát việc thực thi CPTTP và EVFTA. “Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc giám sát thực thi các cam kết quốc tế theo CPTPP và EVFTA tại địa phương”, Ts. Hoàng Thị Lan nhấn mạnh.