Tháo "nút thắt" trong lĩnh vực giáo dục
Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho biết: qua khảo sát, vẫn còn có một số điểm "nghẽn", cần phải tháo gỡ không chỉ giúp TP. Hồ Chí Minh phát triển, mà còn tháo gỡ các cơ chế, chính sách chung.
Trong lĩnh vực giáo dục, ĐBQH Bùi Hoài Sơn cho biết, mô hình trường liên cấp hiện nay rất phổ biến, cần có thay đổi quy định đối với quy hoạch đất cho trường học liên cấp, tránh tình trạng quy hoạch đất cho trường tiểu học, THCS, THPT, khi xây dựng trường liên cấp phải sửa quy hoạch. Riêng đối với quy định quy hoạch trường học không xây cao quá 3 tầng, đại biểu cho rằng, đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nếu không được nâng tầng, quy định này sẽ dẫn tới hạn chế về số lớp, gây khó khăn, quá tải. Do đó, cần sớm phải tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu của các khu vực đông dân cư, đông sinh viên.
Về lĩnh vực văn hoá, đại biểu cho rằng, Luật Điện ảnh khuyến khích làm phim đối với người nước ngoài nhưng có những rào cản ở các luật khác khiến việc làm phim ở TP. Hồ Chí Minh và cả nước gặp khó khăn. Các nhà làm phim hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, có khi quy trình, thủ tục hợp tác kéo dài lâu hơn cả đầu tư một bộ phim, quay xong hậu kỳ, giấy tờ, thủ tục vẫn chưa xong.
Ngoài ra, các ngành công nghiệp văn hóa cần phải là lĩnh vực cần ưu đãi đầu tư để TP Hồ Chí Minh trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và cho thực hiện hợp tác công - tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa, gồm cả di tích và di sản văn hóa.
Đồng quan điểm, ĐBQH Hoàng Văn Cường bày tỏ sự quan tâm với cơ chế đặc thù của TP. Hồ Chí Minh, cần có khuôn khổ pháp lý riêng để tạo cú hích cho thành phố phát triển. Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh một năm có hơn 500 văn bản để xin ý kiến, do đó, cần có cơ chế đặc thù sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh phát triển đột phá hơn.
Trong các cơ chế, chính sách mới được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết mới, ĐBQH Hoàng Văn Cường quan tâm nhiều tới vấn đề thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Theo đó, chính quyền TP. Hồ Chí Minh được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, TP. Hồ Chí Minh là đầu mối giao thương của cả nước nhưng hạ tầng giao thông, đô thị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hạ tầng giao thông phát triển, kết hợp quản lý đô thị, xây dựng khu đô thị mới, tạo quỹ đất công sẽ tạo điều kiện cho TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh với nhiều công trình mang tầm vóc quốc tế. Với cơ chế mới này, việc phát triển giao thông cùng với xây dựng các khu đô thị đi kèm khi giải phóng mặt bằng, sẽ giúp thành phố xây dựng được những khu đô thị hiện đại, văn minh.
Ngoài ra, ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với việc đa dạng hóa việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để xã hội hóa mảng giáo dục, văn hóa nhằm giúp thành phố có thêm nguồn lực đầu tư cho các loại hình này. Nhà nước không bỏ quá 50% vốn đầu tư vào giải phóng mặt bằng.
Cần nghiên cứu kỹ tính khả thi của một số cơ chế
ĐBQH Nguyễn Phương Thủy bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, cơ bản tiếp thu các nội dung của Nghị quyết 54/2017/QH14 và bổ sung thêm nhiều cơ chế mới cho thành phố. Tuy nhiên, đại biểu lưu ý đến tính khả thi khi triển khai thực hiện các cơ chế này với thực tế hiện nay, đặc biệt với các dự án nhà ở xã hội cho người dân; các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận.
Đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức bộ máy của TP. Hồ Chí Minh, trong đó có thành phố Thủ Đức hiện nay. Trong các thí điểm thì tổ chức bộ máy là phức tạp nhất vì liên quan đến con người nhằm bảo đảm sự kế thừa, tiếp nối khi hết thúc giai đoạn thí điểm thì bộ máy chính quyền vẫn hoạt động. Cùng với đó, là việc quản lý cán bộ, công chức khi dự thảo Nghị quyết cho phép tăng số lượng hơn so với mức phân bổ trước đây. Và sau 5 năm thí điểm thì quyền lợi của các cán bộ, công chức này như thế nào, tránh việc quay lại cơ chế cũ, ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy chính quyền, cũng như quyền lợi của cán bộ, công chức.
Theo ĐBQH Tạ Đình Thi, đây là chính sách đột phá cho thành phố, vì các dự án thể thao, văn hóa cũng được thực hiện theo phương thức này do HĐND thành phố quyết định. Đây là sự thay đổi mang tính tích cực nhằm tạo thuận lợi cho thành phố, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.