Theo Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, ô nhiễm không khí ở Bangkok xuất phát từ sự kết hợp giữa việc đốt nương rẫy, rơm rạ đồng ruộng, ô nhiễm công nghiệp và giao thông đông đúc. Mặc dù việc đốt rơm rạ được coi là thủ phạm chính, song việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông cũng gây ra lượng lớn khí thải, đặc biệt là trong một thành phố có mật độ xe cộ cao như Bangkok.
Trang web theo dõi chất lượng không khí của Thụy Sĩ IQAir cho biết, mức độ hạt bụi mịn ở thủ đô Bangkok cao hơn 15 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thực tế, Bangkok đã trở thành thành phố ô nhiễm thứ 8 trên thế giới vào ngày 15.2. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là người già và trẻ em với việc gia tăng các vấn đề về hô hấp và tim mạch...
Nhiều ý kiến đã đề xuất hạn chế phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở thủ đô để giảm ô nhiễm không khí trong tương lai. Thực tế, theo Thủ tướng Thavisin, khoảng 1/4 lượng ô nhiễm đến từ xe cộ, một yếu tố mà chính quyền có thể kiểm soát. Do đó, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt đã yêu cầu nhân viên tại các cơ quan của chính quyền thủ đô làm việc tại nhà để hạn chế ô nhiễm từ giao thông.