Tuyên truyền đi trước 1 bước
Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, yêu cầu bức thiết bảo vệ môi trường thông qua phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn đã được thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đại biểu đặt vấn đề về thực trạng mà cả khu vực đô thị và vùng nông thôn cả nước đang phải đối mặt là nhiều người dân đang xả rác bừa bãi và lượng rác xả ra không tỷ lệ thuận với lượng rác các nhà máy, đô thị, hộ gia đình xả ra.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khác.
“Hiện nay, chúng ta chỉ phải chi trả một khoản tiền nhất định theo hộ gia đình. Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định rất rõ chúng ta không thực hiện việc phân loại rác tại nguồn hoặc xả rác quá nhiều thì chúng ta phải trả tiền nhiều hơn,” ông Huân đặt vấn đề.
Chung quan điểm trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền hy vọng, đến 1.1.2025 việc phân loại rác tại nguồn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc sẽ giảm được áp lực về vấn đề xử lý rác thải. Và chúng ta cần có lộ trình dài hơi cho các địa phương chuẩn bị các hạ tầng kỹ thuật liên quan đến thiết kế các điểm thu gom, lưu giữ, vận chuyển và trang bị các phương tiện như 3 loại thùng đựng chất thải theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Để làm được điều này, nhiều đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức đều thống nhất, vai trò hạt nhân của mỗi gia đình sẽ là yếu tố tiên quyết.
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH. CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH… Bao bì này là cơ sở quản lý việc phân loại và thông qua giá của bao bì để thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển CTRSH. Đồng thời, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Địa phương nên tự lựa chọn công nghệ
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền, áp lực về tốc độ đô thị hóa đang đè nặng lên vai các địa phương hiện nay. Khi đời sống người dân được nâng cao, tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh tạo áp lực cho việc phân loại, xử lý rác thải từ các đô thị. Trong khi đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt, chất thải ngầm tại nguồn chưa tốt. Đây là vấn đề khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay ở các đô thị,” ông Hiền chia sẻ tại tọa đàm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và việc bố trí các địa điểm lưu giữ, thu gom rác thải phải phù hợp với các khu dân cư. Tiếp đó là việc lựa chọn công nghệ xử lý như thế nào cho phù hợp cũng đang là vấn đề cấp bách. Chúng ta nên lựa chọn các công nghệ xử lý khác nhau để phù hợp với tính chất, thành phần và điều kiện tự nhiên của các địa phương.
Theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, mỗi quốc gia tiên tiến và được cho là ưu việt trong lĩnh vực xử lý rác thải thì cũng có tới hàng chục công nghệ khác nhau. Về mặt công nghệ, chúng ta cần quan tâm đến hai mặt, đó là những ưu điểm, nhược điểm của từng công nghệ cụ thể, bởi không có công nghệ nào đều là ưu điểm. Cần phải khẳng định, mỗi một công nghệ đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Tùy vào thành phần, tính chất của chất thải để chúng ta lựa chọn công nghệ phù hợp.
Ngay cả công nghệ được đề cập nhiều nhất gần đây là đốt rác phát điện thì tối thiểu phải thực hiện phân loại rác một cách phù hợp, đồng thời ngành tài nguyên môi trường cần theo dõi các chỉ số liên quan đến môi trường. Bởi phân loại rác có thể cháy được thì chắc chắn công nghệ chúng ta sử dụng đốt rác để thu hồi phát điện sẽ tốt hơn khi rác không phân loại.