Về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), trong đó, phạm vi điều chỉnh lần này quy định về quản lý chi tiêu công - tôi thấy nó phù hợp hơn. Thực tế cho thấy lãng phí trong chi tiêu công rất lớn. Với thực hành tiết kiệm của nhân dân và xã hội nên để Chính phủ quy định. Và MTTQ, qua Cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư sẽ phát động toàn dân tiết kiệm. Nếu bây giờ đưa nội dung tiết kiệm của nhân dân, xã hội vào dự thảo Luật này mà không xử lý được pháp luật khi có vi phạm thì rất khó, chính quy định như vậy cũng là một sự lãng phí rồi. Do đó, giới hạn phạm vi điều chỉnh tập trung quản lý chi tiêu công như dự thảo lần này là phù hợp hơn, tập trung hơn, sát thực tế.
Về trách nhiệm do ban hành chính sách gây lãng phí, tôi đồng tình cần quy định trong Luật này về xử lý trách nhiệm đối với tập thể, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định ban hành chính sách không phù hợp, gây lãng phí. Đây cũng là một vấn đề vừa qua gây ra thất thoát và lãng phí rất lớn đối với ngân sách, đặc biệt trong xây dựng cơ bản. Đề nghị nên đưa vào Luật này để xử lý tại Điều 12 và Điều 16. Thời gian vừa qua, đối với vấn đề tham mưu ban hành văn bản, nếu xảy ra ở cấp tỉnh, cấp huyện thì được xử lý rất nghiêm. Nhưng ở cấp Trung ương, kể từ khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị định 40 của Chính phủ ban hành từ năm 2010, tôi thấy nếu có ban hành chính sách gây lãng phí thì không xử lý được trường hợp nào. Nếu ở tầm Nghị định mà không xử lý được trường hợp nào thì nên đưa thẳng vào Luật, chứ không nên giao Chính phủ hướng dẫn.