Sửa đổi Luật phải phù hợp yêu cầu thực tiễn
Cùng với ĐBQH các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận và Yên Bái, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.
Qua 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo tổng kết thi hành Luật BHXH cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc dẫn chứng: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng (số người tham gia BHXH mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi); tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương (số chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2021 bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm). Ngoài ra, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay... Do đó, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và hồ sơ dự án Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc cơ bản tán thành với những nội dung và định hướng sửa đổi lần này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan xem xét tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định dựa trên tính thực tiễn. Đồng thời, đánh giá kỹ lưỡng và phải có tính dự báo cao nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp, thống nhất, đầy đủ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động
Đóng góp ý kiến vào một số nội dung của dự thảo Luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng: về quyền và trách nhiệm của công đoàn, tổ chức của người lao động, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận (tại khoản 1, điều 13), dự thảo Luật đã lược bỏ một số quy định về quyền của tổ chức công đoàn so với Luật BHXH năm 2014 gồm: yêu cầu người sử dụng lao động, cơ quan BHXH cung cấp thông tin về BHXH của người lao động; kiến nghị, tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về BHXH.
“Đây là những quy định đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giữ lại các quyền của tổ chức công đoàn như điểm b, khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 14 Luật BHXH năm 2014”, đại biểu đề nghị.
Trên thực tế, việc quy định giao tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động xác định số ngày nghỉ chưa phù hợp, khó xác định tình trạng sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản để làm căn cứ quyết định số ngày nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, lược bỏ quy định giao Ban chấp hành công đoàn, người sử dụng lao động quyết định số ngày nghỉ. Đồng thời, không quy định số ngày nghỉ “tối đa” mà quy định cụ thể số ngày nghỉ đối với từng trường hợp cụ thể.
Bảo đảm hài hoà nguyên tắc "đóng - hưởng" có chia sẻ
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, khoản 1 Điều 66 dự thảo Luật quy định về mức lương hưu hàng tháng như sau: “Trường hợp lao động nam đủ điều kiện quy định tại Điều 64 của luật này có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mỗi năm đóng BHXH tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 2,25%”. Thực tế cho thấy, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên quy định như dự thảo Luật có thể dẫn đến trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%).
Băn khoăn việc dự thảo Luật không quy định về mức lương hưu tối thiểu, có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thiết kế cách tính lương hưu theo hướng có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp, bảo đảm mức lương hưu tối thiểu của lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.
Liên quan đến BHXH một lần, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết: Dự án Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần như: chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do quỹ BHXH đóng, thời gian hưởng BHYT tối đa bằng thời gian đóng BHXH của người lao động; trong thời gian nghỉ việc mà chưa có việc làm thì người lao động còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt…
Đồng thời, quy định như trên để tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc rút BHXH một lần từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc “đóng - hưởng” có chia sẻ của BHXH.
Về quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (khoản 2, điều 68), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH, giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng mức trợ cấp BHXH một lần đối với người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưu 75% được tính bằng 1 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho những năm đóng BHXH cao hơn, thay vì quy định 0.5 lần như dự thảo Luật.