Bảo đảm tái định cư cho người dân
Thảo luận cụ thểvề việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng: với tính chất đặc thù của Nghị quyết và với đề nghị điều chỉnh làm thay đổi nội dung tại Điều 1 của Nghị quyết số 53/2017/QH14, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.
Đồng thời, Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn, còn các nội dung đề nghị điều chỉnh khác của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư công vì không làm tăng tổng mức đầu tư Dự án, không tăng diện tích đất thu hồi là phù hợp. “ Việc triển khai dự án đã đạt được là một thành công lớn, do vậy cần phải tiếp tục gia hạn để tiếp tục triển khai”, đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, phải thẳng thắn thừa nhận tiến độ triển khai dự án vẫn còn rất chậm, tất nhiên do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ quan trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Để không lặp lại “vết xe đổ”, đại biểu cho rằng: Chính phủ cần chủ động và kịp thời báo cáo Quốc hội khi quá trình triển khai Dự án có khả năng không bảo đảm tiến độ và một số chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội cần phải điều chỉnh để bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục, gây lãng phí thời gian và nguồn lực thực hiện Dự án; cần đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút kinh nghiệm qua triển khai khi để chậm tiến độ Dự án.
Liên quan đến nội dung này, ĐBQH các tỉnh Gia Lai, An Giang cũng đề nghị Chính phủ tính toán, xem xét tiến độ thời gian giải quyết tái định cư, ổn định đời sống của người dân khi giải phóng đất, đền bù và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công khi để dự án kéo dài, phải bảo đảm và giải quyết nhanh chóng quyền lợi chính đáng của người dân…
Có chế tài xử lý địa phương không thực hiện đúng cam kết
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; đồng thời tán thành với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) và các đại biểu cho rằng: việc đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP không quá 70% là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, vì nếu theo luật hiện hành chỉ quy định 50% thì rất khó có thể thu hút được nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, khi thực hiện các dự án giao thông đường bộ, chi phí để thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, nếu không tăng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì cũng sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và không tạo sự “hấp dẫn” để các doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư phải chủ động bỏ vốn chủ sở hữu, vốn vay để thực hiện các hạng mục công trình trước (bao gồm cả phần chi phí thuộc phần vốn nhà nước tham gia) và chỉ sau khi hạng mục công trình đó đã hoàn thành mới được Nhà nước giải ngân. Nêu thực tế này, ĐBQH Trần Văn Lâm cho rằng, để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư tư nhân, bên cạnh tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP, cần bổ sung quy định “phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP được thanh toán, giải ngân theo tiến độ, tỷ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động”.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, Chính phủ cần giải trình làm rõ căn cứ, cơ sở của đề nghị tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư PPP không quá 70%, mà không phải ở các mức khác.
Đồng tình với dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình. Chính sách này áp dụng cho 7 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Phước. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, Chính phủ vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các dự án này, tránh để thất thoát, kém hiệu quả hoặc dự án kéo dài. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định về chế tài xử lý với những địa phương không thực hiện đúng cam kết, nội dung được ủy quyền...