Phát triển công nghiệp gắn với phát triển kinh tế vùng, liên vùng
6 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang nổi bật với nhiều “gam” màu sáng: tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,84%, xếp thứ 2/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ; đạt tốc độ tăng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại phiên thảo luận toàn thể, các đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn cho rằng, quá trình thực hiện nhiệm vụ vẫn còn nhiều ngành, lĩnh vực chưa đạt được như kỳ vọng và kịch bản đã đề ra.
Băn khoăn trước tiến độ thu ngân sách nhà nước chưa bảo đảm mức bình quân theo kế hoạch, đại biểu Ngụy Thu Thủy cho rằng, những khoản thu chưa đạt tiến độ bình quân lại là những khoản thu lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu ngân sách, quyết định nhiều đến việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao trong năm. Đơn cử, đối với thu tiền sử dụng đất, dự toán thu tiền sử dụng đất chiếm 33,66% trong tổng thu NSNN năm 2024. Nhưng đến hết tháng 6, mới đạt 23,95%; khoản thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, là khoản thu có tỷ trọng lớn thứ hai, hết 6 tháng mới được 45,04% (chưa đạt tiến độ bình quân); thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 42,59%...
Theo đại biểu, các cơ quan, đơn vị chưa thực sự có giải pháp cụ thể đôn đốc thu nợ, nhiều khoản nợ có khả năng thu được nhưng chưa có giải pháp thu hữu hiệu. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp và cơ quan thuế chưa mang lại kết quả rõ nét. Đặc biệt, là xác định đơn giá đất; chậm giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách… Do đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp căn cơ “nuôi dưỡng” nguồn thu cũng như chỉ đạo quyết liệt, tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác thu, đặc biệt là những khoản thu chiếm tỷ trọng lớn chưa đạt tiến độ trong 6 tháng đầu năm…
Liên quan đến sản xuất công nghiệp, đại biểu Mai Quang Thắng (Tổ đại biểu Hàm Yên) đánh giá cao những đóng góp tích cực của ngành này đối với nền kinh tế của Tuyên Quang. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, có thêm 13 dự án công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước những tồn tại, hạn chế, đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ hơn giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đóng góp trong GRDP. Đồng thời, trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh phải bám sát quy hoạch tỉnh và quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển công nghiệpgắn với phát triển kinh tế vùng, liên vùng và quan tâm tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Giải pháp căn cơ đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Tại phiên thảo luận, liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Hà Quang Giai cho rằng, tiến độ thực hiện giải ngân của chương trình này còn rất chậm. Tính đến ngày 15.6, vốn chuyển tiếp từ năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024 đạt 27,19%, riêng nguồn vốn 2024 đạt chỉ 13%. Nguyên nhân do thiếu quyết liệt, phân công cán bộ không đủ năng lực, trách nhiệm phụ trách công việc, không xác định rõ ngày, giờ hoàn thành các bước công việc. Đặc biệt, một số dự án, tiểu dự án còn vướng mắc và cần có hướng dẫn của Trung ương.
Đơn cử như Dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đại biểu cho rằng, một số địa phương không còn quỹ đất sản xuất để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, trong chính sách hỗ trợ đất sản xuất không có nội dung hỗ trợ cho gia đình tự chuyển nhượng. Vì vậy, việc triển khai chính sách gặp rất nhiều khó khăn. Hay Dự án 7 - Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.
Để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, đại biểu đề nghị, cần giải pháp căn cơ hơn nữa đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước giao năm 2024 (bao gồm nguồn vốn chuyển tiếp năm 2023 sang năm 2024 và nguồn vốn đã được giao thực hiện năm 2024). Trong đó, tập trung thực hiện giải ngân đối với các dự án, tiểu dự án không còn vướng mắc về cơ chế; đồng thời, rà soát đối với các nội dung khó có khả năng giải ngân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kịp thời kế hoạch thực hiện và các công tác khác. Rà soát cụ thể từng xã, từng dự án tiến độ đến đâu để xác định rõ thời gian hoàn thành các bước công việc ở từng cấp. Thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện cử cán bộ có trình độ kinh nghiệm trực tiếp kiểm tra hướng dẫn xã thực hiện nhiệm vụ…
Tại phiên thảo luận, nhiều vấn đề “nóng”, thời sự liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của tỉnh cũng đã được các đại biểu thẳng thắn đề cập và “hiến kế” như: nguồn vắc xin tiêm chủng mở rộng; thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển du lịch trên địa bàn; giải pháp hạn chế và khắc phục tình trạng lừa đảo trên không gian mạng và sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ vị thành niên...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung đánh giá cao 17 lượt ý kiến, với 25 nội dung thảo luận của các đại biểu toàn diện ở các lĩnh vực. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành tập trung cao độ, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch năm 2024. Trong đó, chú trọng thực hiện các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, nông, lâm nghiệp, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết việc làm, giảm nghèo, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia...