ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Hồ Chí Minh) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, trước biến động của tình hình kinh tế thế giới có rất nhiều yếu tố bất định, bất lợi tác động đến những nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, tạo ra những thách thức cho việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Vì vậy, Việt Nam cần phải thực hiện sớm, quyết liệt 3 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế bền vững hơn, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Nhóm giải pháp thứ nhất là những giải pháp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh, cụ thể ngay lúc này là vấn đề về an sinh xã hội. Phải có sự hỗ trợ cho người lao động mất việc làm, người bị cắt giảm giờ làm, hỗ trợ những gia đình khó khăn, gia đình có thu nhập giảm thấp.
Nhóm giải pháp thứ hai là phải hỗ trợ quyết liệt hơn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước. Về ngắn hạn, phải có gói hỗ trợ như gói theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Tăng cường hơn nữa các khoản hỗ trợ về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, các khoản phí, chi phí. “Không nên có thêm những văn bản nào để làm tăng các khoản phí, chi phí đè nặng lên doanh nghiệp”, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Hồ Chí Minh) nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Hồ Chí Minh), phải thực hiện một chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, tức là phải giảm lãi suất nhiều hơn nữa. Các ngân hàng thương mại phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với người bạn đồng hành của mình là doanh nghiệp, phải giảm thêm lãi suất, giảm thêm những chi phí lãi vay. Tuy nhiên, điều kiện vay thì phải đảm bảo chuẩn tín dụng, vì nếu hạ thấp chuẩn tín dụng thì sẽ dẫn đến một hệ quả khác là rủi ro tín dụng, dẫn tới rủi ro cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, phải tăng vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp nhỏ, vừa để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay.
Về dài hạn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Hồ Chí Minh) cho rằng cần phải có một hệ thống giải pháp căn cơ hơn để tránh những cú sốc và tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam. “Cụ thể là phải giảm độ mở về kinh tế của Việt Nam”, đại biểu chỉ rõ.
Cùng với đó, nâng cao tính độc lập, tự chủ về kinh tế, trong đó phải tập trung cho đầu tư các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành công nghiệp cơ khí, vật liệu công nghệ cao, công nghiệp hóa chất, công nghệ sinh học để có thể làm chủ được nguồn nguyên nhiên liệu của mình, tránh tình trạng chỉ tập trung cho việc gia công.
Nhóm giải pháp thứ ba là phải đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, trong gói tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 nên điều chỉnh đối tượng thụ hưởng và trong đó nên có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển sang phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế thân thiện với môi trường để bắt kịp với xu hướng của thế giới.