Tăng vượt bậc cả về quy mô và chất lượng
- 5 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng chính sách tín dụng, Hậu Giang đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- Sau 5 năm triển khai thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, chất lượng tín dụng đã được nâng lên một cách rõ rệt, hoạt động tín dụng chính sách đã từng bước đi vào nền nếp và tăng vượt bậc cả về quy mô cũng như chất lượng.
Đến 31.3.2017, nợ quá hạn của toàn Chi nhánh giảm 70.356 triệu đồng (tương đương 88,6%), giảm 7,82% so với thời điểm xây dựng Đề án. Tất cả các đơn vị trực thuộc nợ quá hạn đều dưới 1% (tỷ lệ thấp nhất là 0,17% và cao nhất là 0,67%). Trong đó, có 72/76 đơn vị cấp xã nợ quá hạn dưới 1%, có 51/304 Hội cấp xã có nợ quá hạn bằng 0. Lãi tồn đọng giảm 5,38% so với thời điểm xây dựng Đề án; không còn nợ bị chiếm dụng.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Tổng giám đốc NHCSXH, Chi nhánh tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền cư, liền tuyến. Đến nay, toàn chi nhánh có 2.289 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó: 1.907 Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt (tương đương 83,3%), tăng 71,3% so với thời điểm xây dựng Đề án; 7 tổ xếp loại yếu (tương đương 0,3%), giảm 8,7% so với thời điểm xây dựng Đề án…
Có thể nói, việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác. Từ đó tạo được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách như một công cụ hữu hiệu trong thực hiện chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đó đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, hình thành ý thức “có vay, có trả” của người dân, giảm thiểu tình trạng ỷ lại, trông chờ vào cơ chế chính sách, người dân chủ động hơn trong việc phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Cung chưa đủ cầu
- Quá trình triển khai thực hiện, ông thấy các chương trình tín dụng ưu đãi đã thực sự phù hợp với bà con Hậu Giang? Có vướng mắc ở đâu không?
- Có thể khẳng định, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là phù hợp và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Chính vì thế, nó đã đi vào cuộc sống của từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách và được họ đón nhận, tin tưởng. Nhờ đó, bà con có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, làm thay đổi diện mạo nông thôn, thành thị Hậu Giang qua từng ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn chưa đủ đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh để người dân thoát nghèo bền vững, nhất là đối với các chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Nhiều chương trình cho vay đã bộc lộ những hạn chế, chẳng hạn: Chương trình cho vay HSSV có thời gian trả nợ ngắn; Chương trình cho vay nhà ở cho người có thu nhập thấp chưa có vốn để cho vay; nhiều hộ gia đình có công với cách mạng tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi do không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo...
- Vậy theo ông, để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng trên địa bàn vùng Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang có đề xuất nào?
- Như trên đã nói, Hậu Giang từ chỗ là vùng lõm của hoạt động tín dụng chính sách, sau 5 năm đã có những chuyển biến vượt bậc như hiện nay là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, sự gắn kết khăng khít giữa cấp ủy, chính quyền và người dân cũng như sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, nhân viên NHCSXH. Vì thế trong hành trình tiếp theo của dòng vốn tín dụng chính sách nhất thiết không thể thiếu bất cứ yếu tố nào ở trên. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ nghiên cứu đề xuất, kiến nghị Chính phủ có cơ chế tăng cường đầu tư và thu hút đầu tư để tạo thêm việc làm cho khu vực Tây Nam bộ, để lao động trong vùng có việc làm, yên tâm sinh sống tại địa phương.
Cùng với đó, NHCSXH bố trí nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian trả nợ đối với chương trình tín dụng HSSV bằng 2 lần thời gian nhận tiền vay; kéo dài thời gian gia hạn nợ, cụ thể đối với món vay trung hạn được gia hạn tối đa bằng thời gian vay; kiến nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn Chương trình cho vay nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Về phía cấp ủy, chính quyền địa phương, cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14.3.2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhất là quan tâm cân đối nguồn ngân sách địa phương để chuyển sang NHCSXH, bổ sung nguồn vốn cho vay. Chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt việc điều tra, xác định đối tượng được vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả.
- Trân trọng cảm ơn ông!