Gỡ khó trong xây dựng nông thôn mới
Ghi nhận những kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được trong năm qua, theo đại biểu Vũ Minh Hiếu, một số chỉ tiêu thực hiện đạt thấp, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Vũ Minh Hiếu đề nghị, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để sớm khắc phục hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2024; đặc biệt các dự án quan trọng, các công trình trọng điểm của tỉnh. Trong đó, cần quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, xác định giá đất - nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai các dự án trên địa bàn thời gian qua.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Chí Cường cho rằng, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu trên địa bàn toàn tỉnh, vì hiện nay, tiến độ thực hiện quy hoạch diễn ra rất chậm. Từ đó, ảnh hưởng đến triển khai các dự án của các huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, đại biểu chia sẻ, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn và việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhà văn hóa cần nguồn lực rất lớn. Vì vậy, đại biểu đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ đặc thù cho các huyện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đại biểu Đặng Đình Mạnh cho rằng, nguồn lực của các huyện đầu tư cho xây dựng nông thôn mới hiện nay còn hạn chế. Với chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh theo chuẩn mới, tất cả các xã trên địa bàn đều không đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, đại biểu đề nghị, tỉnh đầu tư nguồn lực dành cho các huyện có chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn.
Về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đặng Trần Trung cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành tiêu chí mới về xây dựng nông thôn mới. Bám sát các tiêu chí của Chính phủ ban hành, tỉnh xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sát với tiêu chí, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Lãnh đạo Sở thừa nhận, các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn này rất cao; trong đó, có lĩnh vực văn hóa, y tế... gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cũng theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, chủ trương của tỉnh xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của huyện; tỉnh sẽ không bố trí ngồn lực để hỗ trợ các huyện trong xây dựng nông thôn mới như trước đây. Tuy nhiên, Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách khen thưởng đối với các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Chính sách này cũng mang tính chất động viên, khích lệ đối với các huyện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các huyện chủ động rà soát lại các tiêu chí; đối với các tiêu chí còn thiếu, cần bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư cho xây dựng cơ bản để triển khai hoàn thiện.
Giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non
Trong năm qua, bên cạnhchất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh ổn định ở mức cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước. Theo đại biểu Nguyễn Xuân Cường, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn có bất cập; tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập ở nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới vẫn còn diễn ra. Cùng với đó là tình trạng cơ sở vật chất các trường đạt chuẩn đã xuống cấp; quá tải phòng học tại các trường nhất là khối tiểu học, trung học cơ sở; thiếu lớp, phòng học chức năng, công trình phụ trợ...
Đại biểu Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp hiện đang quá tải ở nhiều địa phương, nhằm bảo đảm xu thế phát triển học sinh trong những năm tiếp theo.
Theo đại biểu Lê Xuân Me, cùng với việc quá tải học sinh ở một số trường học trên địa bàn tỉnh, còn diễn ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại các trường mẫu giáo công lập tại các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Vì vậy, đại biểu đề nghị, tỉnh khẩn trương bố trí sắp xếp, phân bổ giáo viên cho các địa phương để bảo đảm điều kiện dạy và học, vì hiện nay học sinh đã học gần hết học kỳ I của năm học 2023 - 2024.
Góp ý Tờ trình về việc phân bổ biên chế công chức, tổng số lượng người làm việc (chỉ tiêu biên chế viên chức), hợp đồng lao động thực hiện công việc hỗ trợ phục vụ và biên chế Hội để cấp kinh phí hoạt động năm 2023 của UBND tỉnh trình tại kỳ họp; đại biểu Nguyễn Công Thắng cho rằng, việc UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quyết định 1.455 chỉ tiêu biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh là chưa phù hợp với số lượng biên chế được Ban Tổ chức Trung ương giao (1.449 chỉ tiêu) cho tỉnh Bắc Ninh (nhiều hơn 6 chỉ tiêu). Vì vậy, đại biểu Nguyễn Công Thắng đề nghị, việc quản lý, sử dụng biên chế công chức, viên chức và lao động hợp đồng phải bảođảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật gắn với thực hiện tinh giản biên chế.
"Chủ độngđẩy nhanh việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức cho các cơ quan, địa phương còn chỉ tiêu được giao nhằm bảo đảm đủ số lượng biên chế làm việc cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.Việc giao chỉ tiêu biên chế công chức cho từng cơ quan, đơn vị những năm tiếp theo cần bảođảm thống nhất, kịp thời để làm căn cứ thực hiện khoán quỹ tiền lương và chi thường xuyên theo định mức của các cơ quan, đơn vị hàng năm" - đại biểu Nguyễn Công Thắng nhấn mạnh.