Khuyến khích khám sức khỏe trước khi kết hôn
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm cả nước có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó từ 2 - 3% trẻ mắc bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, tan máu bẩm sinh… Những bệnh lý này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển và khả năng sống của trẻ trong tương lai. Việc điều trị kéo dài không chỉ gây mệt mỏi mà còn trở thành gánh nặng tài chính đối với nhiều gia đình. Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng tưởng như khỏe mạnh nhưng mang gene bệnh lặn, không được phát hiện sớm nên sinh con mắc bệnh di truyền hoặc dị tật.
Chính vì vậy, khám sức khỏe trước khi kết hôn là hình thức sàng lọc quan trọng để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám cơ quan sinh sản; nhằm phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và bạn đời như bệnh Thalassemia, HIV, viêm gan B, C hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường sinh sản…
Theo PGS.TS. Hoàng Diễm Tuyết, Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh), việc tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn không chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân mà còn là thực hiện trách nhiệm đối với tương lai hạnh phúc gia đình của mình và toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Cục Dân số (Bộ Y tế), nhiều nam nữ thanh niên chưa biết hoặc chưa hiểu hết về lợi ích của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Trong trường hợp có nhu cầu đi tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cũng không biết đến chỗ nào. Một thực trạng nữa là hiện nay công việc của giới trẻ có quá nhiều áp lực khiến các bạn không có thời gian. Với những khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, rất nhiều bạn trẻ không có điều kiện về kinh tế để đi khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Thời gian tới, để khuyến khích các bạn trẻ khám sức khỏe trước khi kết hôn, các chuyên gia về dân số cho rằng, cần đẩy mạnh và đổi mới công tác truyền thông, làm sao để hoạt động này đa dạng, phong phú phù hợp với vùng miền, phong tục tập quán… để tất cả thanh niên đều thấy được lợi ích của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Triển khai nhiều mô hình phù hợp
Từ năm 2021, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) - nay là Cục Dân số đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ các cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các tỉnh, thành phố. Năm 2023, Hà Nội là 1 trong 5 tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% so với năm 2022.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%; chỉ tiêu này được đặt ra trong năm 2023 là 50%. Kết quả, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra).
Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2022 ghi nhận 950 cặp đôi khám sức khỏe trong tổng số 1.900 cặp chuẩn bị kết hôn. Năm 2023, ngành dân số TP. Hồ Chí Minh đã bắt tay triển khai hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp thanh niên từ rất sớm.
Thống kê đến hết tháng 11.2023, TP. Hồ Chí Minh có 1.177 cặp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn tự nguyện tham gia thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng 24% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu giao. Cùng với đó, tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức đã duy trì hoạt động của 310 câu lạc bộ tiền hôn nhân tổ chức sinh hoạt hàng tháng với chủ đề phong phú, phù hợp thực tế, qua đó cung cấp thông tin, truyền thông tư vấn, giới thiệu mục đích, ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Thái Bình là một trong những địa phương triển khai có hiệu quả mô hình "Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân" từ rất sớm. Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Bình, mô hình hướng tới mục tiêu: đáp ứng cơ bản nhu cầu cần được thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên, thanh niên; khám sức khỏe, phát hiện, tư vấn cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn về phòng tránh, điều trị các nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật. Đến năm 2023, tại 24 xã thuộc 8 huyện, thành phố tại Thái Bình đã triển khai mô hình và duy trì hoạt động của 131 câu lạc bộ, thu hút hơn 10.000 vị thành niên và thanh niên tham gia sinh hoạt.
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Bình, mô hình đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp thay đổi cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ về lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, góp phần hạn chế tình trạng nạo phá thai, giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh, tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng dân số.