Chủ động quản trị trường học
Tại buổi làm việc với UBND thành phố, Đoàn giám sát đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88 và 51 của Quốc hội trên địa bàn Thủ đô đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo ngành giáo dục - đào tạo. Toàn ngành đã chuẩn bị tốt các điều kiện để có thể triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới. UBND thành phố đã chủ động, kịp thời ban hành các quyết định, kế hoạch chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Đáng chú ý, Hà Nội còn tập trung đổi mới việc quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học, THCS và THPT. Đặc biệt, đến nay tất cả các trường tiểu học, THCS đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch theo chuẩn đầu ra, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Đối với chất lượng đội ngũ nhân lực, đa số nhà trường trên địa bàn thành phố đều bảo đảm về cơ cấu, số lượng và trình độ cán bộ quản lý, giáo viên. Giáo viên cơ bản và giáo viên chuyên biệt bảo đảm dạy đủ các môn học bắt buộc theo quy định; được phân công đúng chuyên môn, phù hợp với khả năng, được tạo điều kiện tốt hoàn thành nhiệm vụ được giao...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, việc bảo đảm điều kiện học sinh tiểu học không quá 35 học sinh/lớp và học sinh trung học không quá 45 học sinh/lớp chưa đạt yêu cầu, bởi việc tăng dân số cơ học tại một số địa bàn quá nhanh, trường học ở khu đô thị thiếu dẫn đến sức ép tuyển sinh. Trong khi đó, diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; do nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên tại một số cơ sở giáo dục ở các huyện ngoại thành, việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay...
Sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát đặt ra với ngành giáo dục Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định: công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được ngành giáo dục quan tâm thực hiện. Thành phố đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn cho học sinh, phụ huynh lựa chọn môn tổ hợp tại cấp THPT cũng như đổi mới sách giáo khoa, phương pháp dạy học tại các cấp học còn lại. Vì thế, phụ huynh, học sinh đều nắm rõ được chương trình đổi mới sách giáo khoa, GPDT, đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra.
Cũng theo đại diện một số trường THCS, THPT trên địa bàn Thủ đô, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu mang lại hiệu quả. Theo đó, sách giáo khoa được lựa chọn minh bạch, công khai, có sự đồng thuận cao của giáo viên, phụ huynh, học sinh; chương trình sách giáo khoa đã kết nối với thực tiễn cuộc sống, tăng cường tính chủ động, phát huy năng lực của người học...
Trao đổi tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Hà Nội lựa chọn sách giáo khoa xuất phát từ cơ sở, theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có định hướng, gợi ý các trường. "Với tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục giao cho các ngành chức năng nghiên cứu cơ chế chính sách để đáp ứng đủ số giáo viên, bảo đảm chất lượng dạy và học", ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Với vai trò thành viên Đoàn giám sát, đồng thời là người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có điểm mới là nhất quán, thống nhất, hướng đích, cứng ở mục tiêu chuẩn đầu ra; đồng thời, kiên định và thống nhất các bộ sách khác nhau vẫn phải theo tinh thần đó. “Quá trình triển khai, các giáo viên cần tự tin, sáng tạo hơn nữa để tạo sự chủ động, linh hoạt trong dạy và học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nghiêm túc đầy đủ, khá kịp thời hai nghị quyết của Quốc hội. Thành phố đã quan tâm và dành nguồn lực lớn cho công tác giáo dục - đào tạo nói chung và thực hiện đổi mới giáo dục nói riêng. "Mặc dù thực hiện các nghị quyết trong điều kiện còn một số nơi thiếu trang thiết bị dạy học, một số trường học quá tải, nhưng giáo viên đã sáng tạo, cố gắng tốt nhất trong điều kiện hiện có", bà Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận.
Thời gian tới, UBND thành phố cần rà soát mạng lưới các cơ sở giáo dục, bố trí hợp lý nhất, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân về trường học; sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục, với những danh mục đã được bố trí, thông qua chủ trương đầu tư cần khẩn trương thực hiện với trách nhiệm cao nhất. Đồng thời, thực hiện ngay việc giám sát, đôn đốc những gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục; phối hợp với các sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện đúng quy định. "Đặc biệt, UBND thành phố cần quan tâm hơn nữa tới việc tuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thiếu cục bộ", Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đề nghị.