Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước chiều nay, 31.5, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,02% là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế vĩ mô cũng được giữ ở mức ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.
Đại biểu đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 rất tốt, nhưng những tháng đầu năm 2023 ít "gam màu sáng" hơn. Những nguyên nhân, hạn chế, tồn tại được nhiều ĐBQH nêu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội ở Kỳ họp thứ Tư đã và đang hiện diện và sẽ là những thách thức lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, nhất là mục tiêu đạt GDP 6,5%.
Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, tăng trưởng GDP Quý I.2023 đạt 3,32% là mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch Covid-19, điều này cũng cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn. Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài.
Về mặt xã hội, đại biểu cũng cho rằng, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức; tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên khá phổ biến ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống người dân, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội…
Những khó khăn, thách thức lớn phải đối mặt trong thời gian tới là rất nhiều, đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, quyết tâm giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Theo đại biểu, một trong những điểm nghẽn lớn đó là yếu tố con người, Chính phủ cũng xác định đó là 1 trong 8 hạn chế, khó khăn trong thời gian qua dẫn đến chúng ta không đạt được kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ Năm lần này, Quốc hội cho ý kiến thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật khác. Đây được xem là kỳ họp Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều dự án luật nhất tính từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay - cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, việc thể chế hoá kết luận số 14-KL/TW của Trung ương về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung vẫn chưa thể ban hành; dù theo kế hoạch, trong tháng 4.2023 Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để chủ trương đúng đắn trên của Đảng được cụ thể hoá bằng các quy định pháp luật và thực sự đi vào cuộc sống.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo hơn nữa công tác rà soát, sửa đổi ban hành cơ chế chính sách một cách đồng bộ. Qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu thực sự ấn tượng với nội dung kiến nghị “Sớm hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ”.
Theo đại biểu, đây là lần đầu tiên cụm từ "an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ” được đề cập trong 1 báo cáo lớn, báo cáo quan trọng của quốc gia - cho thấy sự đồng cảm, chia sẻ của Thường trực Ủy ban Kinh tế về vấn đề thực thi công vụ hiện nay nhất là ở địa phương. "Như chúng ta biết khi tâm mà an thì làm việc gì cũng dễ, khi tâm mà an thì sự cống hiến sẽ nhiều hơn và khi tâm mà an thì con người hạnh phúc hơn. Tựu chung cán bộ hiện nay cần lắm 2 từ an tâm" , đại biểu nhấn mạnh.