Nghiên cứu hướng chỉ tính thuế đối với người có thu nhập cao
Đồng tình với phát biểu của ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) về mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng làm cơ sở để tính thuế thu nhập cá nhân. ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị, cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế chỉ đang ở mức 132 triệu đồng/năm, tương đương 11 triệu đồng/tháng; biểu thuế lũy tiến từng phần cũng cần nghiên cứu điều chỉnh nâng các mức thuế lũy tiến từng phần thu nhập (hiện nay phần thu nhập tính thuế đến 60 triệu/năm đã phải chịu thuế suất 5%).
ĐBQH Đặng Bích Ngọc dẫn chứng, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, đến nay vẫn áp dụng thuế suất, biểu thuế từ năm 2007 là không còn phù hợp với thực tế. Đại biểu cho rằng, năm 2007 đến nay, thu nhập bình quân, tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Năm 2007, quy mô nền kinh tế của nước ta chỉ khoảng 77,4 tỷ đô la Mỹ (xếp thứ 59 trên thế giới), thu nhập bình quân đầu người khoảng 13,5 triệu đồng/người (đạt khoảng 840 đô la Mỹ), nước ta thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp.
Đến năm 2023, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 430 tỷ đô la Mỹ (xếp thứ 35 trên thế giới), thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 101,9 triệu đồng/người, gấp hơn 7,5 lần so với năm 2007 (khoảng 4.284 đô la Mỹ). Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009 (là năm Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 có hiệu lực) chỉ là 14 nghìn 318 tỷ đồng. Đến năm 2022, quyết toán số thu này đã lên đến 162 nghìn 790 tỷ đồng (chiếm 11,2% tổng thu nội địa, gấp gần 11,4 lần số quyết toán năm 2009).
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người lao động. Mặt khác, từ 1.7.2024, thực hiện chính sách tiền lương mới thì thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động sẽ thay đổi và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức đóng thuế thu nhập của các cá nhân. Với các lý do nêu trên, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp.
Sớm phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng CT229
Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có vùng CT229. Tuy nhiên, đây vẫn là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; cùng với đó, những địa bàn này rất khó để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Vì vậy, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp, cử tri và Nhân dân tha thiết đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng CT229, tạo điều kiện để Nhân dân vùng CT229 có điều kiện thuận lợi hơn phát triển kinh tế - xã hội.
ĐBQH Đặng Bích Ngọc cũng phản ánh, việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn cả nước cũng như tỉnh Hòa Bình còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ, cụ thể. Đơn cử, như: quy trình thanh lý và bán đấu giá tài sản công phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Ngoài ra, trong thời gian chờ thanh lý, các trụ sở và tài sản công không được sử dụng, gây ra chi phí bảo quản cao và có nguy cơ xuống cấp. Mặt khác, một số tài sản nằm ở các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, không còn nằm trong khu vực trung tâm, dẫn đến giảm giá trị và khó tìm được người mua. Trong khi đó, nhiều địa phương không có đủ kinh phí để bảo dưỡng, sửa chữa và bảo vệ các trụ sở dôi dư, dẫn đến tình trạng trụ sở bị bỏ không, xuống cấp.
Vì vậy, Chính phủ cần sớm sửa đổi các quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định 167 và Nghị định 67 về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thanh lý và bán đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sớm chuyển giao các trụ sở, nhà đất không còn sử dụng cho UBND tỉnh, thành phố để quản lý và sử dụng. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn cụ thể về lộ trình, thủ tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xử lý tài sản dôi dư, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.