Sinh viên bức xúc vì bị “giữ” bằng tốt nghiệp
Theo đơn phản ánh kiến nghị của nhiều sinh viên Chương trình Cử nhân Quốc tế - IBD@NEU trường ĐH Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD), khoá 14 Mùa Thu (năm 2018) với nhiều nội dung: không trao bằng cử nhân cho người học; yêu cầu người học thi chứng chỉ tiếng Anh (đầu vào) khi sinh viên đã hoàn thành khoá học; không nhất quán về yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh giữa các khoá sinh viên khác nhau...
Đối với việc không trao bằng cử nhân cho người học, trong thư phản ánh, nhiều sinh viên cho biết, trong thông báo tuyển sinh của nhà trường không có bất cứ nội dung nào đề cập tới điều kiện để nhận bằng tốt nghiệp chương trình IBD@NEU phải có chứng chỉ tiếng Anh bậc 4 như nhà trường yêu cầu đối với sinh viên.
Sinh viên đã hoàn thành mọi nghĩa vụ học phí đối với nhà trường và đã hoàn thành chương trình học theo đúng thông báo tuyển sinh số 528/TB-ĐKTQD và được Trường Đại học West of England chính thức công nhận tốt nghiệp và cấp bằng vào tháng 08.2022.
Tuy nhiên, trường ĐH KTQD từ chối trao bằng cử nhân do Trường Đại học West of England đã cấp cho sinh viên với lý do không có chứng chỉ tiếng Anh đầu vào theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, trường ĐH KTQD đã ra các văn bản yêu cầu hàng trăm sinh viên chương trình cử nhân quốc tế IBD@NEU phải tham gia kỳ thi bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để được tốt nghiệp theo quy định của pháp luật (Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP) trong khi những sinh viên này đã hoàn thành toàn bộ khoá học và đã được trường đại học đối tác gồm ĐH Sunderland, ĐH West of England và ĐH Coventry công nhận tốt nghiệp.
Các sinh viên cho rằng, khi trúng tuyển vào Chương trình Cử nhân Quốc tế IBD@NEU, nếu sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 7.0 sẽ được miễn giai đoạn học tiếng Anh theo chương trình của TEG Singapore, chỉ phải học các môn cơ sở và học thẳng chuyên ngành. Chỉ những thí sinh nào chưa có IELTS 7.0 thì sẽ phải học và thi đạt chứng chỉ tiếng Anh TEG cấp độ 4 mới đủ điều kiện theo học chuyên ngành.
Như vậy, chứng chỉ TEG cấp độ 4 được hiểu là tương đương với chứng chỉ IELTS 7.0 (vì những sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5 vẫn bắt buộc phải học cấp độ 4 của TEG). Vì vậy, nếu Nhà trường yêu cầu sinh viên thi lấy Chứng chỉ tiếng Anh bậc 4 hoặc IELTS 5.5 khi sinh viên đã có chứng chỉ TEG Cấp độ 4 và hoàn thành tất cả các yêu cầu của khoá học là hết sức mâu thuẫn với chính sách miễn học giai đoạn tiếng Anh của chính nhà trường đưa ra.
“Nếu trường ĐH KTQD thông báo rõ yêu cầu này trong thông báo tuyển sinh (đề án tuyển sinh năm 2018) của khoá 14 Mùa Thu, chắc chắn khi đó chúng em đã lựa chọn bảo lưu để học tiếng Anh theo chương trình IELTS thay vì phải nộp một khoản tiền rất lớn cho 3 cấp độ tiếng Anh TEG và 3 môn cơ sở” – sinh viên viết trong đơn phản ánh.
144 sinh viên đã nhận bằng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tiếp tục giải trình
Ngày 9.10, trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, bà Trịnh Thị Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (ĐTQT) cho biết: “Trong tổng số 166 sinh viên tốt nghiệp năm 2022, hầu hết các em đều đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Việt Nam và các đối tác, chỉ có 17 sinh viên tốt nghiệp với chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4 thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi quy định trên.
Đến nay có tổng cộng 144 sinh viên đã nhận bằng để phục vụ cho quá trình tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Trong nhóm 17 sinh viên tốt nghiệp với chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4, hiện chỉ còn 9 sinh viên chưa đến nhận bằng tốt nghiệp”.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân giải thích, Chương trình Cử nhân Quốc tế của trường Đại học Kinh tế quốc dân IBD@NEU được Văn phòng Chính phủ và Bộ GD-ĐT phê duyệt thực hiện từ năm 2005.
Theo Đề án của Chương trình, sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh đạt yêu cầu (IELTS 6.5 hoặc IELTS 7.0 tùy theo giai đoạn) cần hoàn thành chương trình học tiếng Anh TEG và có chứng chỉ tiếng Anh TEG Level 4 do đối tác TEG/TMC Singapore cấp. Đây là điều kiện đầu vào tiếng Anh của giai đoạn chuyên ngành theo yêu cầu của các đối tác nước ngoài cấp bằng (gồm các trường ĐH Sunderland, ĐH West of England, ĐH Coventry – Vương quốc Anh).
Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, quy định trình độ ngoại ngữ đối với liên kết đào tạo trình độ đại học thì đối tượng tuyển sinh phải có trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương.
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định điều kiện tiếng Anh áp dụng cho sinh viên tham gia học tập trong các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.
Sau khi những Nghị định nêu trên được ban hành thì sinh viên của Chương trình IBD@NEU vẫn được Trung tâm Công nhận Văn bằng, Cục Quản lý chất lượng (QLCL), Bộ GD-ĐT cấp chứng chỉ công nhận văn bằng cho đến cuối năm 2020.
Ngày 30.03.2021, Cục Quản lý chất lượng (QLCL), Bộ GD-ĐT có công văn số 231/QLCL-CNVB về việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh TEG gửi trường ĐH Kinh tế Quốc dân nêu rõ: “Cục QLCL chỉ xem xét công nhận văn bằng cho từng trường hợp cụ thể của sinh viên nhập học chương trình bồi dưỡng tiếng Anh TEG từ năm 2016 trở về trước. Sinh viên nhập học chương trình TEG từ thời điểm tháng 01/2017 đến thời điểm hiện tại để được xem xét công nhận văn bằng cần cung cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương trình độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu (IELTS 5.5/TOEFL 500) hoặc chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 trở lên [...]theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.”
Như vậy, theo công văn 231/QLCL-CNVB thì chứng chỉ TEG Level 4 chưa được Bộ GD-ĐT xem xét đảm bảo đủ trình độ bậc 4/6 theo Khung tham chiếu ngoại ngữ Việt Nam.
Điều này đã khiến trường ĐH Kinh tế quốc dân băn khoăn về cơ hội được công nhận văn bằng đối với các bạn sinh viên đã tốt nghiệp chương trình IBD@NEU chưa có chứng chỉ B2 hoặc tương đương, và cần làm rõ vấn đề này vì quyền lợi của sinh viên.
Do đó, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có văn bản gửi đến các bộ phận liên quan thuộc Bộ GD-ĐT (Vụ GD Đại học, Cục QLCL và Thanh tra). Đồng thời, Nhà trường đã tích cực hỗ trợ sinh viên thi tiếng Anh 3 đợt để các em nhận các chứng chỉ B2 hoặc tương đương, để giúp các em đảm bảo quyền lợi được công nhận văn bằng.
Bộ GD-ĐT sau đó đã trực tiếp làm việc cùng với đại diện trường ĐH Kinh tế quốc dân để thảo luận giải pháp nhằm giải quyết vấn đề trên.
Đại diện trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, theo tinh thần chủ trương tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã thực hiện trả bằng cho các bạn sinh viên vì đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện yêu cầu của đối tác đào tạo và cấp bằng.
Về phía điều kiện Việt Nam, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu trường ĐH Kinh tế quốc dân tiếp tục giải trình để chứng minh chương trình đào tạo tiếng Anh TEG Level 4 đảm bảo trình độ bậc 4/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam.
Ngoài ra, từ năm 2022, Nhà trường sẽ đưa chương trình tiếng Anh B2 vào giảng dạy cho đến khi chứng chỉ TEG Level 4 được công nhận.
Bà Trịnh Thị Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (ĐTQT) bày tỏ: “Viện Đào tạo quốc tế và Nhà trường luôn lắng nghe, tiếp nhận và hết sức chia sẻ với những bức xúc của sinh viên. Các thầy cô trong Nhà trường đã dành nhiều tâm huyết để đào tạo các em trong suốt 4 năm là mong nhìn thấy các em trưởng thành và được nhận tấm bằng tốt nghiệp một cách xứng đáng, bởi sự thành công của các em chính là phần thưởng lớn nhất cho các thầy cô.
Tuy nhiên Nhà trường cũng mong sinh viên thông cảm vì việc này xuất phát từ một số điểm chưa thống nhất giữa quy định của Việt Nam với các yêu cầu của phía đối tác nước ngoài. Quan điểm nhất quán của Nhà trường là luôn đặt lợi ích chính đáng của người học lên trên hết, mà trong đó, việc đảm bảo tính pháp lý và sự công nhận của tấm bằng Cử nhân sinh viên nhận được là nguyên tắc tối cao”.
Thiết nghĩ, đối với các chương trình đào tạo liên kết đào tạo các nhà trường và Bộ GD-ĐT cần có quy định rõ ràng, minh bạch đối với sinh viên. Với các quy định mới, bổ sung, sửa đổi, cần có hướng dẫn cụ thể và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho sinh viên.
Từ khi Luật số 34 có hiệu lực thi hành, các cơ sở GDĐH trong cả nước nếu đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật được tự chủ mở ngành đào tạo và mở chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình LKĐTVNN đang hoạt động. Trong đó, các trường tự chủ (ĐHQG, ĐH vùng, thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, theo Luật số 34) phê duyệt tổng cộng 186 chương trình LKĐTVNN, trong đó có 124 chương trình ở trình độ đại học, 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 04 chương trình ở trình độ tiến sĩ.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới.
Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT khuyến nghị, các cơ sở giáo dục đại học chú trọng xây dựng các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh; chủ động xây dựng các chương trình nghiên cứu hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài.