Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông
Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết, Quảng Ninh xác định đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng công trình giao thông là một yếu tố quan trọng. Với quan điểm “giao thông đi trước một bước”, Quảng Ninh đã vận dụng sáng tạo đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Do đó, từ năm 2010 đến nay, địa phương đã đầu tư thêm được 176km đường cao tốc; 100km quốc lộ và quy mô các tuyến đều được nâng từ cấp thấp đến nay đạt cấp III trở lên; tăng 2.907km đường địa phương (đường tỉnh, đường liên huyện, đường thôn bản); đã đầu tư các cảng container quốc tế Cái Lân (CICT), Cảng khách quốc tế Hòn Gai, Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Cảng khách cao cấp Ao Tiên, Cảng Vạn Ninh…; tăng 196km luồng đường thủy nội địa với 159 cảng, bến. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang chủ động, phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông nhằm hình thành hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, Quảng Ninh hiện nay đã trở thành địa phương có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh. Những kết quả đạt được là sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong các năm qua, đã luôn dành nguồn lực, bố trí đủ vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng nhằm giữ cho kết cấu hạ tầng giao thông luôn ổn định.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn, bởi hạ tầng giao thông phải tốt thì mới kéo giảm được tỷ lệ tai nạn giao thông.
Nhiều thách thức trong kiểm tra, kiểm soát giao thông đường thủy
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức chỉ rõ, với đặc thù 600 km đường thủy nội địa và 200 km luồng hàng hải đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc kiểm tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường thủy. Đơn cử, qua khảo sát tại huyện Vân Đồn, còn có tình trạng không ít các phương tiện đường thủy không có đăng ký, đăng kiểm, người lái tàu không có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát số lượng phương tiện này. Ngoài ra, các phương tiện nhỏ chủ yếu phục vụ mục đích dân sinh nên nhận thức và hiểu biết của chủ tàu về công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đăng ký, đăng kiểm theo luật định còn nhiều hạn chế…
Giải trình vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết, trước đây, theo Luật Thủy sản năm 2003, quy định tàu thuyền khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản thì được đăng ký, đăng kiểm theo tàu cá. Song theo luật Thủy sản năm 2017 thì tàu, thuyền nêu trên phải đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Do đó, các loại phương tiện nêu trên không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm, vì trước đây người dân đóng tàu ở các cơ sở nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu không đủ năng lực đóng tàu nhưng vẫn đóng gây khó khăn cho thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Bên cạnh đó, nguyên nhân một phần do lịch sử để lại, địa bàn đảo độc lập, xa đất liền nên việc hướng dẫn cho người dân tự giác đăng kiểm còn gặp khó khăn. Ngoài ra, do tuyến biển kéo dài và rộng, thời tiết bất thường, thường xuyên có sóng to, gió lớn nên việc tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển còn hạn chế.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh Hoàng Quang Hải nêu rõ, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tăng cường các biện pháp đẩy mạnh quản lý nhà nước về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, cấp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa. Đồng thời, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện đăng ký quyền sở hữu phương tiện thủy nội địa.
Với những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, Quảng Ninh xứng đáng là điển hình của cả nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, là địa phương phát triển mạnh về du lịch và với rất nhiều dự án trọng điểm thì áp lực cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với tỉnh Quảng Ninh sẽ ngày càng cao. Chỉ rõ điều này, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị, Quảng Ninh cần siết chặt công tác quản lý phương tiện giao thông trên các lĩnh vực; tăng cường công tác phối hợp với các bộ ngành, địa phương trên cả nước trên tinh thần quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành đồng bộ hệ thống giao thông…