Không huy động thừa
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, đến hết quý III.2022, mặc dù với khối lượng huy động thấp, đạt 139.432 tỷ đồng/400.000 tỷ đồng kế hoạch đã thông báo đầu năm. Kỳ hạn phát hành bình quân là 13,42 năm, kỳ hạn còn lại bình quân danh mục là 9,1 năm, lãi suất phát hành bình quân 2,83%/năm. Cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ tiếp tục được cải thiện với tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư dài hạn chiếm khoảng 62%, đáp ứng mục tiêu tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
“Về cơ bản, công tác huy động vốn đáp ứng 4 mục tiêu đề ra. Đó là huy động đủ vốn cho chi đầu tư phát triển và trả nợ gốc của ngân sách Trung ương; bảo đảm là kênh huy động vốn ổn định, hiệu quả của ngân sách Trung ương; tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nói riêng và nợ công nói chung để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; và duy trì và phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ làm tham chiếu cho thị trường vốn”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ đánh giá.
Bên cạnh đó, kết quả thu ngân sách nhà nước và ngân sách Trung ương năm 2022 nay tương đối tích cực, lần lượt đạt khoảng 103,7% và 108,1% dự toán. Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp: nguồn ngân sách nhà nước đạt khoảng 51,3% kế hoạch Thủ tướng giao và nguồn ngân sách Trung ương đạt khoảng 37,7%. Vì vậy, áp lực vay vốn đáp ứng nhu cầu chi của ngân sách trong 10 tháng qua chưa cao. Trước thực tế đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ cho rằng, điều hành của KBNN bảo đảm khối lượng huy động trái phiếu Chính phủ là phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, không huy động thừa, bảo đảm hiệu quả huy động, quản lý và sử dụng vốn theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Qua đánh giá khả năng thu chi giải ngân cả năm 2022, Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh nhu cầu vay năm 2022, trong đó dự kiến quý IV.2022 thông qua kênh trái phiếu Chính phủ sẽ phát hành khoảng 100.000 tỷ đồng, tương ứng với nhiệm vụ cả năm khoảng 215.000 tỷ đồng. Với kết quả đạt được đến ngày 17.11.2022, từ nay đến cuối năm sẽ phát hành khoảng 48.000 tỷ đồng. KBNN sẽ tiếp tục triển khai tổ chức đấu thầu phát hành liên tục hàng tuần qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với các loại kỳ hạn nhà đầu tư có nhu cầu để đảm bảo duy trì thị trường thường xuyên, đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước.
Có thể phát hành kỳ hạn ngắn
Lãnh đạo Cục Quản lý ngân quỹ cho rằng năm 2023, thị trường trong nước và quốc tế còn nhiều biến động khó lường, nhiều thách thức đối với công tác huy động vốn trái phiếu Chính phủ của KBNN.
Hiện nay nhu cầu vay của ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua là 648.000 tỷ đồng, cao hơn 10% so với nhu cầu năm 2022, bao gồm cả nhu cầu vay thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. “Sau khi Bộ Tài chính cân đối các nguồn vay, trong nước và ngoài nước, sẽ giao nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ và KBNN sẽ thông báo sớm nhất ra thị trường”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Nguyễn Thị Ngọc Hiếu cho biết.
Về phía KBNN sẽ tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, thông báo đầy đủ lịch biểu, kế hoạch và các điều chỉnh (nếu có), bảo đảm công khai, minh bạch. Cùng với đó, phát hành đa dạng các kỳ hạn từ 5 - 30 năm, có thể phát hành kỳ hạn dưới 5 năm khi huy động kỳ hạn dài khó khăn; tập trung phát hành bằng nội tệ, lãi suất cố định, trả lãi định kỳ, phát hành linh hoạt trái phiếu long/short coupon. Ngoài ra, KBNN sẽ triển khai các sản phẩm mới như trái phiếu xanh, phát hành các mã trái phiếu chuẩn với khối lượng đủ lớn để nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá cam kết chắc chắn hai chiều...
Tại hội nghị tổng kết hoạt động thị trường trái phiếu năm 2022 mới đây, một số ý kiến đề xuất KBNN nghiên cứu phát hành đa dạng các sản phẩm trái phiếu Chính phủ như trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu gắn với lạm phát...; phát hành các kỳ hạn ngắn dưới 5 năm, phù hợp với nhu cầu thị trường và nhằm tạo đường cong lãi suất tham chiếu và có chính sách ưu đãi tăng quyền lợi cho các nhà tạo lập thị trường.