IAEA hướng dẫn gì về dự án điện hạt nhân?
Chính phủ đã và đang đề xuất cấp thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân. Đây là chủ trương phù hợp và rất cần thiết, trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm 2009, khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Nhu cầu điện năng được dự báo sẽ tăng cao, năm 2025 là 12 - 13% và các năm sau còn cao hơn.
Để có thể tái khởi động dự án điện hạt nhân, còn rất nhiều việc phải làm trước khi các cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Cần nhắc lại rằng, năm 2009 khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, chúng ta chưa thực hiện theo các hướng dẫn của IAEA, một phần vì hướng dẫn NG-N-3.1 mới được ban hành, còn hướng dẫn SSG-16 chưa có. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội chỉ một Báo cáo xin chủ trương đầu tư, không có Báo cáo về các cơ sở hạ tầng cần thiết, đặc biệt các hạ tầng về an toàn và an ninh hạt nhân, trong khi đây là đặc thù riêng, rất quan trọng của dự án điện hạt nhân, không giống bất kỳ một dự án năng lượng khác. Nếu không có các hạ tầng cần thiết này thì không thể cho phép triển khai dự án điện hạt nhân cho dù Báo cáo xin chủ trương đầu tư của dự án điện hạt nhân đủ điều kiện để được phê duyệt.
Theo IAEA, có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân. Cụ thể là: (1) Các cam kết của quốc gia; (2) An toàn hạt nhân, (3) Công tác quản lý; (4) Đầu tư và thu xếp tài chính; (5) Khuôn khổ luật pháp; (6) Thanh sát hạt nhân; (7) Khuôn khổ pháp quy; (8) Bảo vệ bức xạ; (9) Hệ thống lưới điện; (10) Phát triển nguồn nhân lực; (11) Sự tham gia của các tổ chức khác nhau ở trong nước vào dự án điện hạt nhân; (12) Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hỗ trợ; (13) Bảo vệ môi trường; (14) Lập kế hoạch ứng phó; (15) An ninh hạt nhân và bảo vệ thực thể; (16) Chu trình nhiên liệu hạt nhân; (17) Chất thải phóng xạ; (18) Sự tham gia của công nghiệp trong nước; và (19) Tổ chức mua sắm trong dự án điện hạt nhân.
Riêng cơ sở hạ tầng về an toàn và an ninh hạt nhân thì có 20 vấn đề cần được quan tâm xây dựng. Cụ thể là: (1) Chính sách và chiến lược quốc gia; (2) Chế độ an toàn hạt nhân toàn cầu; (3) Khuôn khổ luật pháp; (4) Khuôn khổ pháp quy; (5) Vấn đề công khai, minh bạch trong dự án điện hạt nhân; (6) Đầu tư và thu xếp tài chính; (7) Các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật bên ngoài; (8) Lãnh đạo và quản lý về bảo đảm an toàn; (9) Phát triển nguồn nhân lực; (10) Nghiên cứu phục vụ bảo đảm an toàn và pháp quy hạt nhân; (11) Bảo vệ bức xạ; (12) Đánh giá an toàn; (13) An toàn trong quản lý và điều kiện hóa chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; (14) Chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; (15) Tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân; (16) Khảo sát, lựa chọn và đánh giá địa điểm nhà máy điện hạt nhân; (17) An toàn thiết kế nhà máy điện hạt nhân; (18) Chuẩn bị cho việc đưa nhà máy vào vận hành thử; (19) An toàn vận chuyển; (20) Giao thoa giữa an toàn và an ninh hạt nhân.
5 vấn đề cần lưu ý
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đối với nước ta là một dự án hoàn toàn mới, đầu tư lớn, phức tạp và có yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho tái khởi động Dự án phải được làm một cách bài bản hơn và tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của IAEA. Chỉ có như vậy mới tạo được lòng tin của người dân cũng như cộng đồng quốc tế về công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.
Với kinh nghiệm của bản thân gắn bó cả đời với sự nghiệp của ngành hạt nhân, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể như sau.
Một là, Chính phủ cần thành lập Ban Chỉ đạo phát triển điện hạt nhân do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để chỉ đạo cập nhật Báo cáo xin chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tổ chức xây dựng các hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân.
Giúp việc cho Ban chỉ đạo cần có 7 nhóm chuyên gia về: luật pháp và pháp quy, chính sách thương mại và kỹ thuật, công nghệ và chu trình nhiên liệu, đánh giá các nguồn phát điện và thị trường điện, đánh giá môi trường và địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đánh giá khả năng nội địa hóa công nghệ và kinh tế điện hạt nhân, thông tin đại chúng và tư vấn cộng đồng. Các nhóm chuyên gia sẽ giúp Ban chỉ đạo đánh giá Báo cáo xin chủ trương đầu tư cập nhật và Báo cáo về các cơ sở hạ tầng cần thiết cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước khi trình phê duyệt chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc liên quan đến dự án đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến khi động thổ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Hai là, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu cập nhật Báo cáo xin chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để trình phê duyệt theo quy định Đảng và pháp luật của Nhà nước; chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư và nhân lực cho việc vận hành, bảo dưỡng nhà máy sau khi hoàn thành Dự án đầu tư.
Ba là, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng Báo cáo đánh giá hiện trạng các cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân theo hướng dẫn của IAEA và đề xuất Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Báo cáo phải làm rõ các cơ sở hạ tầng cần thiết đã đủ điều kiện theo hướng dẫn của IAEA chưa, để có căn cứ cho Bộ Chính trị và Quốc hội phê duyệt chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời, phải chuẩn bị nguồn nhân lực đủ khả năng quản lý việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng và quản lý vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận khi đi vào vận hành phát điện.
Bốn là, sau khi dự án điện hạt nhân bắt đầu xây dựng, theo thông lệ quốc tế thì Ban chỉ đạo Nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động và chỉ có 2 chủ thể làm việc với nhau là cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia và chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân. Theo trách nhiệm và thẩm quyền được luật pháp quy định, các tổ chức này tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình bảo đảm cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân một cách an toàn; nếu phát sinh các vấn đề vượt quá thẩm quyền thì xin ý kiến của Thủ tướng.
Năm là, cần phải giải quyết điểm nghẽn về thể chế hiện nay trong Luật Năng lượng nguyên tử 2008, gồm: quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia; quy định về chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân; quy định về Ban quản lý dự án điện hạt nhân; quy định về nhà thầu xây lắp; quy định về các loại giấy phép, chứng nhận, chứng chỉ liên quan và điều kiện để được cấp các loại giấy này.