Không đạt mục tiêu cốt lõi đặt ra
Theo các doanh nghiệp sản xuất phân bón, khi Luật số 71 có hiệu lực, hầu hết máy móc thiết bị sản xuất phân bón nhập khẩu đều chịu thuế VAT đầu vào. Số thuế này không được hoàn, mà tính vào tổng mức đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả của các dự án đầu tư sản xuất phục vụ nông nghiệp.
Đánh giá về việc này, các chuyên gia cho rằng về bản chất chi phí thuế vẫn phải cộng vào giá bán để bán cho người tiêu dùng, vô hình trung người nông dân vẫn đang chịu thuế này. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dường như bị phân biệt đối xử so với các mặt hàng thông thường khác và gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Nhìn xa hơn nữa, việc không được hoàn thuế đầu vào đối với mặt hàng phân bón còn không khuyến khích được việc đầu tư đặc biệt là vào các dự án quy mô lớn, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao... mang đến sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, phục vụ ngành nông nghiệp.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) Nguyễn Văn Phụng cho rằng: 10 năm trước, nhiều người cho rằng, thức ăn chăn nuôi, phân bón không phải nộp thuế sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện cho nông dân được mua phân bón, thức ăn chăn nuôi giá rẻ, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản khi xuất khẩu, cải thiện đời sống nông dân...
Thực tế, thuế VAT có tính chất liên hoàn, số thuế VAT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào. Còn nếu thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế VAT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ. Như vậy, doanh nghiệp, nông dân vẫn phải mua đầu vào với giá đắt hơn, do không được khấu trừ thuế. Về phía Nhà nước sẽ mất khoản thu thuế nhập khẩu từ doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực phân bón. Trong khi đó, theo thỏa thuận WTO, Việt Nam không phân biệt hàng nội và hàng ngoại. Phân bón nhập khẩu không chịu thuế nên doanh nghiệp nước ngoài luôn có lợi thế so sánh với doanh nghiệp nội về không chịu thuế, về chi phí thấp hơn và Nhà nước bị thất thu một khoản tiền lẽ ra phải thu được nếu duy trì thuế VAT 5%.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng: quy định đưa mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT (Khoản 1 Điều 3 Luật số 71) không những không đạt được mục tiêu ban đầu làm giảm giá bán phân bón cho người nông dân, mà còn làm hạn chế đầu tư, kìm hãm sự phát triển của ngành sản xuất phân bón trong nước.
Việc đưa mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5% sẽ tạo điều kiện cho nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp hơn; các nhà sản xuất trong nước được hoàn thuế VAT đầu vào, nên giá thành sản xuất giảm, kéo theo giá bán giảm. Đối với doanh nghiệp, số thuế VAT đầu vào của doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ hoặc được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế VAT, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng tích tụ vốn, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao.
Áp thuế VAT 5% sẽ tăng thu ngân sách
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị áp thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón và máy móc thiết bị nông nghiệp.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết: Dưới góc độ của cơ quan chủ trì soạn thảo, nếu chỉ nhìn góc độ áp thuế giá trị giá tăng 5% đối với mặt hàng phân bón, như vậy người dân phải chịu thêm 5% vào giá bán có vẻ hợp lý. Nhưng sau khi phân tích, khi áp dụng thuế suất 5% sẽ làm giảm giá thành xuống khoảng trên dưới 5%.
Việc áp dụng thuế suất 5% sẽ có tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%). Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường, thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận cho biết: “Thông thường thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, doanh nghiệp nộp thay cho người tiêu dùng, người tiêu dùng phải chịu nhưng thực tế trong đó đều cơ cấu vào giá thành, giá bán cuối cùng là vấn đề hết sức quan trọng. Như vừa qua chúng ta thông qua lộ trình giảm thuế 2% cho một số mặt hàng, đúng ra thuế giá trị gia tăng người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó phải chịu, nhưng thực tế không giảm giá mà nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này”.
Vấn đề áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đồng thuận cao. Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, TS Phùng Hà thông tin, theo Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, về phía Nhà nước, nếu thuế áp dụng thuế giá trị gia tăng 5%, sẽ tăng thu ngân sách thêm 1.541 tỷ đồng, do thu thuế VAT đầu ra của phân bón lên tới 6.225 tỷ đồng và khấu trừ thuế VAT đầu vào là 4.713 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp hiện là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam khi đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu, dự kiến năm 2024 xuất khẩu có thể đạt 60 tỷ USD (vượt xa kế hoạch là 55 tỷ USD và so với năm 2022 và 2023 là 54 tỷ USD) nên việc hỗ trợ toàn diện ngành nông nghiệp là cần thiết.