Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng
Trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có hơn 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...
Số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô hiện có chưa đến 100 nhà cung cấp cấp 1 và 150 nhà cung cấp cấp 2, 3. Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam cho biết, mặc dù ngành công nghiệp ô tô đang phát triển mạnh mẽ, song, sản lượng và quy mô thị trường hiện vẫn còn hạn chế so với các quốc gia trong khu vực. Các nhà cung ứng trong nước đang phải đối mặt với cạnh tranh từ những đối tác có thị trường rộng lớn hơn, cùng với lợi thế về quy mô và chi phí. Các doanh nghiệp nội địa thường xuyên phải vượt qua những khó khăn về tài chính, quy trình sản xuất không được ổn định và việc thu hút đầu tư. Những yếu tố như năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết, các chính sách và nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã được thiết lập, như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3.11.2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ hay Nghị định 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô vì các nhà cung ứng cấp 1 được hỗ trợ hoàn thuế nhập khẩu, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Là một trong những đơn vị gia công cơ khí chính xác, cung ứng hàng triệu linh kiện mỗi tháng cho các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, viễn thông, bán dẫn, dầu khí và ô tô, xe máy; ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty CNCTech Thăng Long chia sẻ rằng, trong quá trình kinh doanh, công ty đã tiếp xúc với nhiều khách hàng lớn toàn cầu thì ngoài các nhu cầu và tiêu chí truyền thống như chất lượng, giá cả và tiến độ; họ còn yêu cầu về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và các giải pháp thông minh. Những tiêu chí này sẽ định hình định hướng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Cần những chính sách ưu đãi đặc biệt
Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đang quan tâm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất ô tô là việc tạo ra môi trường đầu tư hợp lý. Theo đó, đầu tư vào sản xuất và hạ tầng khu công nghiệp không chỉ tạo giá trị cho các doanh nghiệp mà còn tác động lớn đến sự phát triển kinh tế của quốc gia. Vì vậy, cần thiết phải có các chính sách ưu đãi đặc biệt để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ.
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ một cách bền vững, cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp tìm kiếm, đánh giá cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại thị trường quốc tế; đánh giá và phát hiện các sản phẩm có thế mạnh, từ đó giúp doanh nghiệp trong nước vững vàng hơn trên thị trường nội địa trước khi mở rộng ra xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Do đó, cần tối ưu hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, có các chính sách riêng biệt để thúc đẩy thương mại, tăng cường kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Minh chứng cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể cả về chất và lượng trong thời gian qua. Về mặt số lượng, có hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng chỉ ISO/TS 16949; còn về chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển dịch dần trong việc: Không chỉ sản xuất những linh kiện có hàm lượng công nghệ thấp hay tập trung vào những thế mạnh về nhân công giá rẻ, mà đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn. Bên cạnh đó, trình độ quản lý của tầng lớp lãnh đạo, nhận thức về việc nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng, chi phí, khả năng giao hàng cũng đã được nâng lên một bước đáng kể.
Theo đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong Nghị định 111/2015/NĐ-CP hay dự án Luật Sản xuất các sản phẩm công nghiệp trọng điểm; Bộ Công Thương đề xuất tạo lập thị trường cho các doanh nghiệp, xây dựng các cụm liên kết ngành, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng phát triển; cũng như phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng chính sách địa phương hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.