Tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu diễn biến phức tạp
Phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Yến cho biết: Qua 8 năm tổ chức thi hành, Luật Đấu thầu đã phát huy tốt hiệu quả điều chỉnh các hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, phát sinh trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trong mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của nhà nước thời gian qua thì Luật Đấu thầu năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập do quy phạm pháp luật điều chỉnh chưa cụ thể hoặc chồng chéo, chưa thống nhất với các quy định của các Luật khác; Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu còn phức tạp, thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện đầu tư, mua sắm công; Quy định về kiểm tra, giám sát, chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ, tình trạng tham nhũng, gian lận, tiêu cực, thông đồng trong đấu thầu diễn biến phức tạp...
Do đó, việc Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013 là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam- ĐBQH Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, đồng thời cơ bản thống nhất với một số nội dung của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 98 Điều; so với Luật hiện hành: sửa đổi, bổ sung: 75 Điều; bỏ 12 Điều; bổ sung mới 21 Điều; giữ nguyên 2 Điều.
Gỡ vướng mắc trong đấu thầu các dự án về quyền sử dụng đất
Qua nghiên cứu Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và một số văn bản khác có liên quan, ĐBQH Nguyễn Thị Yến nhận thấy: Thực tiễn thời gian qua đã phát sinh nhiều vướng mắc trong công tác đấu thầu đối với các dự án có liên quan đến quyền sử dụng đất, vì quyền sử dụng đất hiện nay đang được điều chỉnh cùng lúc bởi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Hiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, lấy ý kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, chặt chẽ về sự tương thích pháp luật trong thủ tục quy định hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có liên quan quyền sử dụng đất thực hiện đấu thầu trong các đạo luật liên quan nói trên, đặc biệt là đối với các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến với các quy định điều chỉnh hoạt động này tại dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tương thích, phù hợp hay chưa.
Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần trao đổi rõ hơn về sự tương thích pháp luật trong Đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và chấp nhận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư (Điều 29) để làm rõ thêm vấn đề này.
Luật hóa việc đấu thầu, thuốc, vật tư trang thiết bị y tế
Hiện nay, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thực tiễn, Quốc hội đã cho ý kiến sửa đổi Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh, Luật Đấu thầu, Luật Giá, và các dự thảo các nghị định… Bộ Y tế cũng đang xây dựng và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập…
Vì vậy, để tạo khung pháp lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc và tháo gỡ “điểm nghẽn” trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến, Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, đánh giá toàn diện vướng mắc từ thực tiễn, luật hóa các quy đinh về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư cần điều chỉnh vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) để tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tốc độ mua sắm, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc, theo hướng phân cấp, phân quyền về cơ sở để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương và cơ sở triển khai thực hiện, bởi các quy định hiện nay tạiĐiều 51 quy định (Mua sắm tập trung được thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương); Điều 53 (Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc); Điều 54 (Ưu đãi trang mua thuốc); Điều 55 (Cung cấp sản phẩm, dịch vụ công) và các quy định về đấu thầu trong Dự án Luật chưa đủ để điều chỉnh giải quyết điểm nghẽn về đấu thầu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế hiện nay.
Rà soát các quy định liên quan đến đấu thầu qua mạng
Hiện nay các quy định về đấu thầu qua mạng được quy định tại Luật Đấu thầu hiện hành, Nghị định 63 năm 2014 của Chính phủ và nằm rãi rác tại các Thông tư: số 04 năm 2017, số 05 năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; số 58 năm 2016 của Bộ Tài chính.
Qua thực tiễn, đấu thầu qua mạng đã mang lại hiệu quả tiết kiệm thời gian, kinh phí và tăng cường tính minh bạch, công khai do đó cần đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng, bổ sung các chính sách, sự đầu tư của nhà nước để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhân lực vận hành mạng đấu thầu quốc gia và quy định có tính bắt buộc thực hiện đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên Dự thảo Luật chỉ quy định 3 điều (Điều 48-50) về nội dung này, trong khi các quy định pháp luật về đấu thầu qua mạng đang nằm ở nhiều văn bản Thông tư như nói trên.
Vì vậy đề xuất Ban soan thảo cân nhắc, rà soát đánh giá năng lực của tổ chức đấu thầu qua mạng để quy định lộ trình phù hợp bắt buộc đấu thầu qua mạng; Trách nhiệm của các Bộ có liên quan đối với an toàn của mạng đấu thầu quốc gia; cơ sở dữ liệu, bảo đảm đấu thầu qua mạng an toàn, hiệu quả, có tính liên thông với các hệ thống khác… để luật hóa vào luật cụ thể.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định về lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể trong dự thảo Luật, chỉ quy định lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án như Luật Đấu thầu hiện hành.