Báo cáo chính trị được hoàn thiện sau gần 60 lần chỉnh sửa
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã thông tin toàn diện về Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Theo đó, để tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, tổ chức thành công đại hội các chi bộ, các đảng bộ cơ sở và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; chủ động ban hành Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 để củng cố các tổ chức cơ sở đảng và tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp, nổi cộm từ cơ sở; đồng thời, tập trung xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đáng chú ý, để chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, ngay từ năm 2018, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20, với 8 đề tài nhánh để đánh giá, cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn phục vụ xây dựng văn kiện. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội cũng tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cấp, ngành, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là tổ chức 10 hội nghị lấy ý kiến, trong đó có 3 hội nghị xin ý kiến góp ý của các ban Đảng và Văn phòng Trung ương Đảng, của Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Sau gần 60 lần chỉnh sửa, dự thảo Báo cáo chính trị đã được hoàn thiện để trình Đại hội Đảng thành phố lần thứ XVII.
Thông tin về những điểm mới, định hướng lớn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ: Ngay trong chủ đề báo cáo chính trị, Hà Nội đã đặt yếu tố gương mẫu lên hàng đầu, đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội phải gương mẫu cho cả nước. Đồng thời, khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xuất phát từ mong muốn Thủ đô ngày càng giàu đẹp hơn, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh hơn thì tất cả mọi người phải đồng lòng, chung sức và khơi dậy được ý chí này.
Tập trung vào nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế
Về mục tiêu tổng quát, nhiệm kỳ này xác định mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, điều này thể hiện trách nhiệm, quyết tâm của Hà Nội với vị trí, vai trò là Thủ đô. Về các chỉ tiêu, nhiệm kỳ này xác định 20 chỉ tiêu cụ thể trên 4 nhóm lĩnh vực, trong đó có những chỉ tiêu đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế từ 7,5 - 8%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, một số chỉ tiêu cần lưu ý là tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia từ 80 - 85%, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 - 80% và không còn hộ nghèo, tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố... Nhóm chỉ tiêu quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường, nhiệm kỳ này thành phố xác định 100% các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%... Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ trên, Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã xác định quyết tâm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 14 vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025.
Về công tác bầu cử tại Đại hội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Đại hội đã bầu 1 lần đủ 71 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với số phiếu tập trung cao, có trên 80% đồng chí trúng cử đạt số phiếu trên 90%. Đại hội cũng lấy phiếu giới thiệu bầu Bí thư Thành ủy đối với đồng chí Vương Đình Huệ, với 100% số phiếu. "Trên cơ sở kết quả Đại hội, tới đây Thành ủy sẽ ban hành kế hoạch quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố để sớm triển khai Nghị quyết đi vào cuộc sống" - Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.