Nguy cơ lây nhiễm cao
Sau khi phát hiện ca thứ 4 nhiễm Covid-19, sáng 8.3, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã họp khẩn nâng mức cảnh báo và đưa ra các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đến 7 giờ sáng 8.3, cả nước đã có 21 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 16 trường hợp đã điều trị khỏi, hiện còn 5 trường hợp đang được cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện. Riêng Hà Nội đã có 4 ca dương tính với virus corona chủng mới và một ca đang nghi ngờ và nguy cơ cao.
Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết trong số 2.240 trường hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô đang quản lý cách ly tập trung đã lấy mẫu xét nghiệm được 1.664 trường hợp, tất cả đều âm tính với virus SARS-CoV-2; số còn lại tiếp tục xét nghiệm nốt trong ngày 9 và 10.3. Các khu vực cách ly bảo đảm điều kiện tốt, người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy đinh tại khu cách ly tập trung.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Hà Nội mới có 4 bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng qua rà soát, xác minh số người tiếp xúc gần, tiếp xúc của tiếp xúc đã lên tới 300 - 400 người. Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ lây nhiễm cao. Ông Chung khẳng định “thành phố công khai, minh bạch thông tin dịch bệnh để người dân yên tâm”, đồng thời yêu cầu người dân nêu cao trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Cụ thể, mỗi người dân cần chủ động nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh, dấu hiệu, phương pháp phòng bệnh cũng như giám sát cách ly tại gia đình, cộng đồng; phát hiện những đối tượng từ vùng dịch về không khai báo để thông báo cho các cơ quan y tế và chính quyền địa phương lên danh sách, tổ chức cách ly. Hiện nay, năng lực xét nghiệm của thành phố được 2.000 mẫu/ngày. Ông Chung yêu cầu các quận huyện cần huy động cán bộ y tế cơ sở để đi lấy mẫu. “Càng sớm có kết quả thì càng sớm ổn định được tâm lý người dân”.
Hà Nội đã lên phương án đáp ứng đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu |
Đã chuẩn bị đủ hàng hóa cho người dân trong một tháng
Lập hồ sơ xử lý 21 trường hợp thông tin sai sự thật về dịch bệnh Ngày 8.3, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng đã chủ động phát hiện, xử lý các hành vi đưa tin không chính xác, chưa kiểm chứng gây hoang mang dư luận, đặc biệt liên quan đến trường hợp nhiễm COVID-19 tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội) yêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố nếu đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa chung. Theo đó, Công an thành phố Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 21 trường hợp về hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh lên trang facebook cá nhân, gây hoang mang dư luận. Trường hợp nhiễm COVID-19 tại phường Trúc Bạch, Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với ngành y tế tổ chức rà soát, xác minh đối với các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân và thực hiện việc cách ly trên một cấp so với quy định của Bộ Y tế theo hướng dẫn của chính quyền cơ sở. Hiện tại, Công an thành phố Hà Nội đã giao phòng Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố xác minh những người trên chuyến bay VN0054 về Nội Bài ngày 2.3 có tiếp xúc gần với bệnh nhân để làm rõ lịch sử dịch tễ; qua đó phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tổ chức xác minh các trường hợp liên quan. |
Cũng tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đến sáng 8.3, sinh hoạt tại siêu thị và chợ dân sinh đã trở về bình thường, không còn hiện tượng tăng giá do người dân đi mua đông.
Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4 - 5 lần ngày bình thường. Cụ thể, tại Vinmart, hàng hóa tăng 40 lần, nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bố hàng hóa chuyển từ các tỉnh về Hà Nội... Hệ thống siêu thị Coopmart tăng lượng dự trữ 30% ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh. Hệ thống BigC lượng hàng tăng từ 30 - 40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối... Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu người dân.
Hiện Hà Nội đã có phương án chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm từ 30 - 50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng để bảo đảm phục vụ người dân Thủ đô ứng phó với dịch. Cụ thể, lượng hàng được chuẩn bị gồm: 46.485 tấn gạo; 9.300 tấn thịt lợn; 2.675 tấn thịt trâu bò; 3.100 tấn thịt gia cầm; 62 triệu quả trứng gia cầm; dầu ăn 3.070 nghìn lít; muối ăn, bột canh 356 tấn; rau củ 51.650 tấn; thủy hải sản (tươi, đông lạnh) trên 2.580 tấn; thực phẩm chế biến trên 2.580 tấn... Dự kiến, lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày với định mức mỗi người gồm: gạo 18kg; thịt lợn 1,35kg; trứng gia cầm 15 quả; muối ăn, bột canh 0,15kg; thủy hải sản đông lạnh 1,56kg; thực phẩm chế biến 1,35kg... Tổng lượng hàng cần thiết là 90 tấn gạo, 6,75 tấn thịt lợn, trứng gia cầm 75.000 quả, muối ăn - bột canh 750kg, thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn, thực phẩm chế biến 6,75 tấn...
“Với lượng hàng hóa dồi dào như vậy, ngành công thương Hà Nội cam kết bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, vì vậy người dân không nên lo lắng hay mua hàng tích trữ”, bà Lan nhấn mạnh.