Nhiều mô hình điểm
Những năm qua, TP Hà Nội đã vào cuộc và tổ chức quyết liệt từ chỉ đạo đến triển khai thực hiện công tác an toàn thực phẩm (ATTP). Cụ thể, Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình điểm về phòng, chống ngộ độc thực phẩm như Quản lý ATTP bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5.281 bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ quan, bệnh viện, trường học đều tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP và được giám sát, kiểm tra thường xuyên. Đặc biệt, đối với các bếp ăn tập thể căng tin trường học, nhà trường tổ chức tuyên truyền lồng ghép về ATTP cho giáo viên, học sinh và có sự tham gia của cha mẹ học sinh, hướng dẫn quận, huyện, thị xã phối hợp triển khai công tác bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục; 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát. Ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý bếp ăn tập thể; hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học. Kết quả quản lý 32.451 cơ sở dịch vụ ăn uống và 5.488 cơ sở thức ăn đường phố cho thấy 100% cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80 - 98,8%.
Trong năm 2020, Hà Nội tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 240 xã, phường thuộc 20 quận, huyện, thị xã. Nhờ mô hình này, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa cỗ đông người. Bên cạnh đó, hơn 2 năm qua, Hà Nội đã xây dựng thí điểm mô hình “tuyến phố ATTP có kiểm soát” tại 14 tuyến phố của 12 quận, huyện với tổng số 508 cơ sở, tỷ lệ các tiêu chí ATTP đạt từ 80,7 - 100%.
Phát triển hệ thống cảnh báo nhanh
Qua kết quả thống kê trên địa bàn TP Hà Nội từ tháng 7.2019 đến tháng 7.2020, số cơ sở vi phạm bị phát hiện và bị xử lý vi phạm, mức xử phạt/1 cơ sở tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương đã thanh tra 8.119 cơ sở, trong đó, có 2.050 cơ sở vi phạm (25,2%), xử phạt 2.050 cơ sở (25,2%) với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thông qua thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đã giúp cho nhận thức về ATTP của người kinh doanh, chế biến thực phẩm được nâng lên rõ rệt. Nếu mô hình này được duy trì trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phát triển hệ thống cảnh báo nhanh trong việc phát hiện, điều tra, giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn, qua đó góp phần tăng hiệu quả cho công tác quản lý ATTP ngay tại từng địa phương.
Cùng với đó, Sở Y tế sẽ chủ động và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, đặc biệt là sự giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi của Thanh tra Bộ Y tế, Cục ATTP, Trường Cán bộ Thanh tra, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia trong việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra chuyên ngành.
Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý ATTP, Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội cũng cho biết, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tiếp tục tập trung vào 7 nhiệm vụ chính là thi đua thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước của các ngành, các cấp thuộc thành phố; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường công tác truyền thông về ATTP. Đồng thời, tập trung phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ các thực phẩm an toàn; kiểm soát thực phẩm đầu vào. Nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm tiêu dùng cũng như thực phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng.