Từ Quyền đàm phán nhanh 1974 đến Luật Phát huy thẩm quyền thương mại 2015
“Quyền đàm phán nhanh” theo Đạo luật Thương mại năm 1974, có thời hạn hơn 4 năm. Năm 1979, Quốc hội Mỹ gia hạn tiếp tục Quyền đàm phán nhanh đến năm 1988 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Đạo luật mới này đổi tên gọi Đại diện Thương mại Đặc biệt thành Đại diện Thương mại Liên bang Mỹ (U.S. Trade Representative), hàm Bộ trưởng và có một ghế trong Nội các.

Năm 1988, Quốc hội Mỹ tiếp tục gia hạn Quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Bush (cha) để ông bắt đầu Vòng đàm phán Uruguay của GATT, đồng thời đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), với sự tham gia của các nước Mỹ, Canada và Mexico. Lần gia hạn này có hiệu lực đến ngày 16.4.1994, một ngày sau khi Vòng đàm phán Uruguay kết thúc bằng Hiệp ước Marrakech (Morocco) cùng với tuyên bố về sự ra đời của WTO, dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton. Sau đó, Quốc hội đã thông qua Luật áp dụng Hiệp ước Vòng đàm phán Uruguay (Uruguay Round Agreements Act). NAFTA cũng được Quốc hội phê chuẩn trong thời gian này.
Năm 2002, Quốc hội Mỹ lại ban hành Đạo luật Thương mại 2002 để gia hạn “Quyền đàm phán nhanh” cho Tổng thống Bush (con). Trong đạo luật mới, quyền này được gọi là “Quyền Xúc tiến Thương mại” (Trade Promotion Authority, viết tắt là TPA), có hiệu lực đến năm 2007.
Cứ như vậy, Quốc hội Mỹ dùng “Quyền đàm phán nhanh” để giám sát Tổng thống vì quyền này chỉ có hiệu lực trong quá trình đàm phán ký kết một số điều ước quốc tế quan trọng. Nếu Tổng thống muốn ký kết điều ước quốc tế khác, ông chủ Nhà Trắng cần xin gia hạn quyền này.
Ngày 16.4.2015, nhiều Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã cùng đệ trình dự luật TPA 2015 có tên chính thức là “Luật Phát huy Thẩm quyền Thương mại” (Trade Priorities and Accountability Act 2015, cũng được viết tắt là TPA) để yêu cầu Quốc hội gia hạn “Quyền đàm phán nhanh” cho Tổng thống Obama trong đàm phán, ký kết TPP và Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Để có hiệu lực, dự luật “Luật Phát huy Thẩm quyền Thương mại 2015” cần được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua với đa số giản đơn. Và sau hơn hai tháng giằng co, tranh luận căng thẳng tại Quốc hội Mỹ, dự luật TPA 2015 đã được thông qua ngày 24.6.2015. Nhờ đó, đàm phán TPP mới tiếp tục diễn ra tại Hawaii vào tháng 7.2015 và kết thúc ở Atlanta ngày 5.10.2015 vừa qua.
Ý nghĩa đối với TPP
Trong số các nước tham gia TPP, Nhật Bản và Mỹ chiếm ưu thế, vì đại diện cho hai nền kinh tế đứng thứ nhất và thứ ba trên thế giới, bên cạnh đó là Canada, Australia, Mexico. Đương nhiên, những thỏa thuận tự do mậu dịch giữa các nền kinh tế lớn luôn diễn ra căng thẳng trước những yêu cầu nhượng bộ, đòi hỏi mang nặng tính bảo hộ mậu dịch khiến cho các cuộc đàm phán trì trệ kéo dài, đôi khi không có hồi kết.
Vì là Điều ước mang tầm chiến lược, có thể có những “hy sinh” để đạt đến sự đồng thuận chung, các nước tham gia TPP đã đồng ý cam kết giữ bí mật nội dung đàm phán. Cũng chính điều này đã tạo ra làn sóng phản đối việc trao “Quyền đàm phán nhanh” cho Tổng thống Obama, gây nhiều khó khăn cho nhà lãnh đạo này.
Đối với các nước tham gia TPP, hầu hết các Chính phủ được sự chấp thuận của Quốc hội, hoặc được định hướng về mục tiêu cần đạt tới đối với những hình thức và nội dung đàm phán. Điều đó đồng nghĩa Chính phủ các nước thành viên TPP sẽ không gặp mấy khó khăn để Quốc hội phê chuẩn TPP. Trong khi đó, Chính phủ Mỹ không có những thuận lợi như vậy. Nhánh hành pháp mà đại diện là Tổng thống, lại không có được sự chấp thuận một cách mặc nhiên từ Quốc hội Mỹ. Trong trường hợp không được trao “Quyền đàm phán nhanh”, Tổng thống Obama sẽ phải công bố nội dung của TPP trước công chúng ngay từ khi bắt đầu đàm phán, Quốc hội Mỹ có quyền sửa đổi nội dung TPP, hoặc thậm chí không phê chuẩn thỏa thuận này nếu bị công chúng phản đối, ngay cả khi đã kết thúc đàm phán. Điều đó dẫn đến hai khả năng, hoặc Chính phủ Mỹ vi phạm cam kết về bảo mật nội dung đàm phán, hoặc bị giảm sút uy tín trên trường quốc tế. TPP được chính giới Mỹ đánh giá quan trọng hơn NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ) và xem như chiến lược kinh tế - đối ngoại mới. Vì thế, Quốc hội Mỹ đã cân nhắc trao cho Tổng thống “Quyền đàm phán nhanh” để tham gia đàm phán, ký kết như đã làm năm 1994.
Việc thông qua “Quyền đàm phán nhanh” trong nội bộ nước Mỹ sẽ ảnh hưởng đến quá trình, kết quả đàm phán, ký kết với tất cả các thành viên TPP. E ngại Quốc hội Mỹ có thể gây khó khăn cho việc ký kết trong tương lai, nên Nhật Bản và một số nước đối tác khác trong TPP mong muốn Tổng thống Obama phải tranh thủ có được “Quyền Đàm phán nhanh” trước khi đàm phán kết thúc trong năm 2015.
Về phần mình, Tổng thống Obama cũng nhận thức được những trở ngại này, vì vậy ông chỉ thông báo ý định tham gia TPP cho Quốc hội Mỹ biết vào năm 2012 và chính thức yêu cầu trao quyền đàm phán nhanh vào đầu tháng 4.2015, nhằm tránh gia tăng sự phản đối từ phía Quốc hội. Cuối cùng, quyền này đã được thông qua, kết quả bước đầu các nước tham gia TPP kết thúc đàm phán tại Atlanta vừa qua.
TPP chiếm đến 40% nền kinh tế toàn thế giới. Thuận lợi mà TPP mang lại cho các nước tham gia cũng tương đồng với những thách thức mà một số lĩnh vực kinh tế khác nhau của các thành viên phải đối phó. Phản ứng của nội bộ từng nước tham gia cũng bị phân hóa bằng sự ủng hộ hoặc phản đối. Do vậy, trên lộ trình từ nay đến mốc thời gian mà TPP chính thức có hiệu lực sẽ còn không ít khó khăn.