Theo đó, quy trình lập pháp bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có các giai đoạn (bước) cơ bản sau: Lập quyết định chương trình xây dựng luật; Xây dựng dự án luật: thuộc trách nhiệm của ban soạn thảo và cơ quan tổ chức, ĐBQH trình dự án luật (gọi chung là cơ quan trình dự án luật); Thẩm tra dự án luật; UBTVQH xem xét, cho ý kiến về dự án luật; Trình QH dự án luật; Lấy ý kiến nhân dân về dự án luật (nếu QH quyết định lấy ý kiến nhân dân về dự án luật); Thảo luận, xem xét thông qua dự án luật; Công bố luật. Các bước của quy trình lập pháp nêu trên có quan hệ rất mật thiết với nhau, chất lượng từng bước của quy trình có ý nghĩa rất quan trọng tới chất lượng của đạo luật, trong đó trình tự, thủ tục (quy trình), thảo luận, xem xét thông qua luật có tính quyết định, thể hiện kết quả của quá trình thực hiện quy trình lập pháp.
Theo quy định tại Điều 45, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, nội dung của dự án luật, QH có thể xem xét, thông qua dự án luật tại một hay hai kỳ họp.
Dự án luật được xem xét, thông qua tại một kỳ họp của QH theo trình tự như sau:
Đại diện cơ quan trình dự án luật thuyết trình về dự án luật tại phiên họp toàn thể của Quốc hội;
Đại diện cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật tại phiên họp toàn thể của Quốc hội;
QH thảo luận dự án luật tại phiên họp toàn thể về những nội dung cơ bản, những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Dự án luật có thể được các ĐBQH thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, UBTVQH chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của ĐBQH. Trong phiên thảo luận, trường hợp cần thiết, QH biểu quyết một số nội dung của dự luật để làm cơ sở cho việc chỉnh lý;
- UBTVQH chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, cho ý kiến về việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật và thông qua Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật;
- UBTVQH báo cáo QH về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật;
- QH nghe đọc dự thảo luật đã được chỉnh lý, thảo luận, biểu quyết thông qua một số nội dung còn có ý kiến khác nhau và biểu quyết thông qua dự thảo luật.
Dự án luật được xem xét thông qua tại hai kỳ họp của QH theo trình tự như sau:
Tại kỳ họp lần trước của Quốc hội
- Đại diện cơ quan trình dự án luật thuyết trình về dự án luật tại phiên họp toàn thể của Quốc hội;
- Đại diện cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật tại phiên họp toàn thể của Quốc hội;
- QH thảo luận dự án luật tại phiên họp toàn thể về những nội dung cơ bản, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Dự án luật có thể được các ĐBQH thảo luận ở tổ, Đoàn ĐBQH trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể; UBTVQH chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp ý kiến của ĐBQH và chuẩn bị những nội dung cơ bản của dự án luật để trình QH biểu quyết làm cơ cở cho việc chỉnh lý.
Sau kỳ họp lần trước của QH (giữa hai kỳ họp)
- UBTVQH tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành các cấp về dự thảo luật (theo quyết định của QH hoặc tùy theo tính chất, nội dung của dự án luật);
- UBTVQH chỉ đạo việc tập hợp ý kiến về dự án luật và chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật, Ủy ban Pháp luật, Bộ tư pháp và các cơ quan hữu quan khác tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật; cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và thông qua báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật.
Tại kỳ họp kế tiếp của Quốc hội
- UBTVQH báo cáo QH về việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật;
- QH nghe đọc dự thảo luật đã được chỉnh lý, thảo luận, biểu quyết thông qua một số nội dung còn ý kiến khác nhau và biểu quyết thông qua dự án luật;
Bên cạnh những quy định có tính chất bắt buộc về trình tự, thủ tục của quy trình thảo luận, xem xét thông qua luật còn có những quy định mang tính tùy nghi như UBTVQH có thể tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận, góp ý kiến về dự án luật; Yêu cầu Đoàn ĐBQH tổ chức để ĐBQH thảo luận, góp ý kiến về dự án luật tại địa phương...
Ngoài ra, theo Điều 34a Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Pháp luật của QH có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự án luật trước khi trình QH xem xét thông qua bằng các hoạt động tham gia thẩm tra, tham gia chỉnh lý dự án luật, báo cáo QH khi có ý kiến khác với cơ quan trủ trì thẩm tra về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với dự án luật.
Các quy định về quy trình lập pháp của QH được trình bày ở trên, trên thực tiễn đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới hoạt động lập pháp của QH trong nhiệm kỳ QH khóa XI vừa qua. Kết quả cho thấy: Luật và Bộ luật mà QH khóa XI thông qua đã tăng về số lượng và nâng lên về chất lượng, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, phát triển đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Riêng số lượng, 84 Luật, Bộ luật, QH khóa XI thông qua gấp hơn hai lần so với QH khóa X (QH khóa X thông qua 34 Luật và Bộ luật; QH khóa IX thông qua 41 Luật, Bộ luật; QH khóa VIII thông qua 32 Luật, Bộ luật; từ khóa I đến khóa X thông qua 136 Luật, Bộ luật). Tại Báo cáo công tác của QH nhiệm kỳ khóa XI và Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XI của các cơ quan của QH đã khẳng định kết quả đạt được trong hoạt động xây dựng pháp luật của QH khóa XI thể hiện sự nỗ lực cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan khác trong việc chuẩn bị dự án luật, thẩm tra dự án luật, chỉnh lý dự thảo luật, thảo luận, thông qua luật.
Nguyễn Thị Bắc