Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh thường niên được xây dựng nhằm điểm lại những vấn đề quan trọng, đáng chú ý trong quá trình xây dựng các quy định pháp luật về kinh doanh trong năm. Đây là năm thứ 7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo này.
Báo cáo cho biết, năm 2023, Quốc hội ban hành 16 luật, Chính phủ ban hành 99 nghị định, Thủ tướng ban hành 33 quyết định, các bộ ban hành 510 thông tư. Xét về số lượng, công tác xây dựng pháp luật năm 2023 tương đương với năm 2022. Tuy nhiên, xét về khối lượng công việc, công tác lập pháp và lập quy năm 2023 đã tăng một cách đáng kể.
Để nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, nhiều biện pháp được thực hiện như: phân công nhiều nhân lực và thời gian cho công tác thẩm tra, thẩm định, nghiên cứu các dự thảo văn bản pháp luật; tổ chức nhiều hơn các cuộc họp về xây dựng pháp luật để thảo luận về các nội dung chính sách; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, mời thêm và đa dạng các thành phần tham gia cuộc họp xây dựng pháp luật.
Nhóm tác giả thực hiện báo cáo phát hiện một số cải tiến đáng chú ý về quy trình lập pháp trong năm qua. Một trong những đổi mới đáng chú ý trong công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội là các Ủy ban đã chủ động tổ chức các đoàn khảo sát, các cuộc họp với doanh nghiệp và người dân để nắm tình hình và chuẩn bị cho công tác thẩm tra các dự án luật, kể cả trước khi Chính phủ trình dự án luật đó. Hoạt động này rất có ý nghĩa vì nó giúp các đại biểu Quốc hội có được nguồn thông tin độc lập, ít chịu ảnh hưởng từ các nội dung báo cáo của Chính phủ, từ đó giúp các ý kiến thẩm tra dự án luật thực tiễn và sắc sảo hơn. Điều này cũng tạo áp lực lớn hơn đối với các cơ quan của Chính phủ khi phải trình dự án luật ra Quốc hội.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ hoặc Lãnh đạo Chính phủ có thể quyết định theo thẩm quyền hoặc theo biểu quyết bằng đa số. Nhưng hiện nay, trong những trường hợp như vậy, lãnh đạo Chính phủ thường yêu cầu họp lại một lần nữa, lắng nghe ý kiến của các bên và cố gắng đưa ra được giải pháp đồng thuận trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Điều này dù làm tăng khối lượng công việc nhưng có tác dụng tốt trong việc bảo đảm chất lượng văn bản pháp luật.
Tại cấp bộ, ngành và chuyên viên, quy trình xây dựng pháp luật được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong các cuộc họp ban soạn thảo, tổ biên tập, vấn đề trình tự thủ tục xây dựng văn bản luôn được các thành viên xem xét rất kỹ lưỡng. Các công đoạn cần phải thực hiện như thời hạn đăng tải công khai, lấy ý kiến của các đơn vị bắt buộc, thời hạn thẩm định, thẩm tra, thời điểm trình hồ sơ được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Ví dụ, trước đây, một vài trường hợp dự thảo được thẩm định sớm, trước hoặc ngay khi vừa hết thời hạn đăng tải công khai dự thảo. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Tư pháp và các Vụ Pháp chế tại các Bộ luôn yêu cầu phải hoàn thành việc lấy ý kiến và có đủ hồ sơ tiếp thu, giải trình thì mới tiến hành thẩm định.
Việc chuẩn bị ý kiến góp ý tại các bộ ngành cũng được tiến hành kỹ lưỡng hơn. Trước đây, khi nhận được đề nghị góp ý một dự thảo văn bản pháp luật, lãnh đạo các bộ thường phân công cho một đơn vị chuyên môn trong bộ để tham mưu ý kiến. Tuy nhiên, một số bộ hiện nay đã yêu cầu nhiều đơn vị khác trong bộ cùng phải phối hợp chuẩn bị ý kiến. Điều này có thể khiến thời gian để có được ý kiến từ các bộ kéo dài hơn, nhưng bảo đảm chất lượng ý kiến, không bị bỏ lọt vấn đề.
Những điểm sáng nêu lên từ báo cáo là sự ghi nhận cho những nỗ lực của các cơ quan xây dựng pháp luật, trong đó có đóng góp lớn lao từ Quốc hội. Tuy nhiên, khi khối lượng công việc ngày càng tăng lên, một lần nữa vấn đề huy động chất xám từ bên ngoài, và theo đó cả cơ chế tài chính cho công tác này, cần được Quốc hội, các Ủy ban đặc biệt quan tâm.