Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 310 phiếu ủng hộ, 118 phiếu chống, cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả các đảng viện Đảng Cộng hòa và Dân chủ. Dự luật này cần hơn 2/3 số nghị sĩ ủng hộ để được thông qua và hiện đã được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Dự luật năm nay dài gần 3.100 trang, phê chuẩn mức ngân sách quốc phòng kỷ lục 886 tỷ USD, tăng 3% (tương đương 28 tỷ) so với năm ngoái. Như vậy là Quốc hội Mỹ đã thông qua NDAA trong 63 năm liên tiếp.
NDAA cũng bao gồm khoản chi để tăng 5,2% lương cho binh sĩ Mỹ, kinh phí chế tạo 9 tàu hải quân mới, các sáng kiến ứng phó củng cố năng lực tác chiến tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Dự luật cũng cấp ngân sách 300 triệu USD cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine trong vài năm tới, nhưng con số này kém quá xa đề xuất viện trợ 61 tỷ USD được ông Biden gửi đến Quốc hội Mỹ.
Bên cạnh đó, dự luật này còn có điều khoản cấm Tổng thống Mỹ đơn phương rút khỏi NATO mà không được Quốc hội đồng ý. Điều khoản này nhấn mạnh cam kết của Washington với NATO, trong bối cảnh tình hình an ninh ở châu Âu có nhiều biến động.
Phiên bản cuối cùng của NDAA đã bỏ qua các điều khoản giải quyết các vấn đề xã hội gây chia rẽ, chẳng hạn như quyền tiếp cận phá thai và đối xử với các quân nhân chuyển giới, đã được đưa vào phiên bản được Hạ viện đa số thuộc Đảng Cộng hòa thông qua trước sự phản đối của Đảng Dân chủ, đe dọa làm chệch hướng tiến trình pháp luật.
Trước đó, ngày 13.12, Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã ủng hộ NDAA, cũng với đa số lưỡng đảng mạnh mẽ là 87 phiếu ủng hộ, 13 phiếu chống.
Dự luật NDAA cho năm tài chính 2024 cũng bao gồm một điều khoản cho phép kéo dài thêm 4 tháng thời hạn của một chương trình theo dõi người dân gây tranh cãi. Chương trình này được gọi là Phần 702 của Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài (FISA), vốn cho phép các cơ quan an ninh Mỹ theo dõi người nước ngoài ở ngoài lãnh thổ Mỹ nhưng cũng có thể nghe lén người Mỹ ở trong nước. Việc gia hạn thêm 4 tháng cho các nghị sĩ thêm thời gian để cải cách chương trình. Điều khoản này ban đầu vấp phải sự phản đối ở cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng số người phản đối không đủ để làm chệch hướng dự luật.
Dự thảo NDAA cuối cùng cũng không bao gồm các điều khoản ban đầu được đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề xã hội gây chia rẽ, chẳng hạn như quyền tiếp cận phá thai và đối xử với các quân nhân chuyển giới.
Hạ viện và Thượng viện từng thông qua dự thảo luật NDAA của riêng mình vào đầu năm nay. Dự luật cuối cùng vừa được thông qua là sự thỏa hiệp giữa hai đảng và hai viện.