Dự luật đưa ra mức chi tiêu cao hơn 45 tỷ USD dành cho quốc phòng so với mức đề xuất của Tổng thống Biden, trong đó phân bổ 817 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng và 30 tỷ USD cho Bộ Năng lượng. Dự luật nêu rõ cách thức Bộ Quốc phòng phân bổ hàng trăm tỷ USD cho các chương trình vũ khí và tăng 4,6% lương cho các quân nhân. NDAA cũng phân bổ 163 tỷ USD dành cho mua sắm trang thiết bị quốc phòng, tăng so với mức 144 tỷ USD được Tổng thống Biden đề xuất; 139 tỷ USD dành cho nghiên cứu và phát triển, tăng 9 tỷ USD so với mức Tổng thống Biden đề xuất; và 279 tỷ USD dành cho hoạt động và bảo trì, tăng so với mức 271 tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất.
Ngoài ra, dự luật cũng cho phép chi 211 tỷ USD cho nhân sự và sức khỏe; 19 tỷ USD cho xây dựng quân sự và 30 tỷ USD cho các chương trình hạt nhân liên quan đến quốc phòng. Dự luật cũng bao gồm các khoản viện trợ quân sự dự định dành cho các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, trong đó có 800 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Dự luật này còn phân bổ 6 tỷ USD cho "Sáng kiến răn đe châu Âu", một chương trình được khởi xướng vào năm 2014 nhằm tăng cường sự sẵn sàng của quân đội Mỹ ở châu Âu.
Việc thông qua NDAA là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa các nghị sĩ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện. NDAA là một trong những đạo luật quan trọng mà Quốc hội Mỹ phải thông qua hàng năm, thu hút sự quan tâm của dư luận. Do đây là đạo luật buộc phải thông qua, nên các nghị sĩ thường coi NDAA là phương tiện để đưa ra một loạt sáng kiến.
Dự kiến trong tuần tới, Quốc hội Mỹ cũng sẽ thông qua dự luật ngân sách cho chính phủ liên bang trong tài khóa 2023.