Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về tài chính, ngân sách tổ chức vào sáng 2.11, liên quan đến báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến Kế hoạch năm 2024, đại biểu Thái Thị An Chung đã đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 98,533 tỷ đồng kế hoạch vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 chưa giải ngân hết của Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) sang năm 2024.
Ngày 22.3.2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý cho phép UBND tỉnh Nghệ An được sử dụng 100 tỷ đồng, trong tổng số 150 tỷ đồng đã được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 theo Quyết định số 2266/QĐ-TTg để bố trí cho Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An).
Đây là dự án hết sức cần thiết và cấp bách để hạn chế hậu quả của thiên tai lũ lụt, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, bảo vệ các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn; đồng thời, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện miền núi nghèo như Kỳ Sơn.
UBND tỉnh Nghệ An đã lập tức có Quyết định phân bổ kinh phí để thực hiện dự án, trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. UBND huyện Kỳ Sơn đã triển khai các bước để thực hiện đầu tư, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tuy nhiên, đêm ngày 1 và sáng ngày 2.10.2022, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Chỉ trong phút chốc, một phần của xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén đã biến thành bình địa với ngổn ngang bùn, đất, đá.
“Hậu quả của trận lũ quét đã dẫn đến thay đổi lưu vực lòng sông Nậm Mộ nên phương án thiết kế khả thi do UBND huyện Kỳ Sơn trình thẩm định trước đó không còn phù hợp với hiện trạng hai bên bờ sông, nơi triển khai dự án”, đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu và cho biết thêm: “Nếu triển khai như phương án cũ thì khó đạt mục đích và gây lãng phí nguồn vốn”.
Vì vậy, các đơn vị liên quan phải khảo sát lại hiện trạng, đánh giá lại tính chất phức tạp của dòng chảy, mức độ nguy hiểm của lũ ống, lũ quét trong bối cảnh biến đổi khí hậu để đưa ra phương án thiết kế mới.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung, đây chính là nguyên nhân khách quan, là sự kiện bất khả kháng không thể lường trước được cho nên đến hết năm 2022, dự án mới giải ngân được 1,465 tỷ đồng (gần 1,5% số vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 bố trí cho dự án).
“Đến nay, mọi thủ tục chuẩn bị đầu tư đã hoàn thành, nếu được kéo dài nguồn vốn thì chắc chắn dự án sẽ hoàn thành trong năm 2024”, đại biểu Thái Thị An Chung khẳng định, đồng thời thay mặt cử tri cảm ơn và đề nghị Quốc hội chấp thuận đề xuất của Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và tiếp tục giải ngân số vốn còn lại cho dự án này sang năm 2024.
“Trong trường hợp không thể kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn còn lại, chúng tôi tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nghiên cứu, xem xét bố trí nguồn dự phòng năm 2023 để dự án được tiếp tục thực hiện và hoàn thành, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân địa phương”, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu.