Dự luật đã được Hạ viện Chile thông qua ngày 11.4 (giờ địa phương) sau khi được Thượng viện thông qua hôm 21.3. Hiện dự luật đang chờ Tổng thống Chile Gabriel Boric ký ban hành thành luật. Ông Boric đã đăng lên mạng xã hội Twitter ca ngợi đây là “dự án ủng hộ gia đình và hướng đến cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người”.
Theo dự luật, quá trình giảm giờ làm sẽ được tiến hành theo 3 giai đoạn. Năm đầu tiên tuần làm việc sẽ giảm xuống còn 44 giờ, đến năm thứ ba là 42 giờ và năm thứ 5 là 40 giờ. Các công ty có thể giảm số giờ làm việc trước mà không cần tuân theo lịch trình này.
Bộ trưởng Lao động Chile Jeannette Jara nhận xét: “Đây là một dự án sẽ đóng góp to lớn cho chất lượng cuộc sống của chúng ta. Đây là thay đổi để nâng cao quyền của người lao động”.
Dự luật này cũng ngăn các doanh nghiệp Chile giảm lương của người lao động do thay đổi số giờ làm đồng thời “bật đèn xanh” để người lao động chuyển sang 4 ngày làm việc/tuần.
Một số doanh nghiệp chỉ trích dự luật và cho rằng nó gây áp lực khiến họ phải điều chỉnh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác lại chào mừng thay đổi này.
Giám đốc công ty thiết kế Organic Style Danitza Becerra, chia sẻ với hãng thông tấn Reuters rằng doanh nghiệp này đã chuyển sang làm việc 40 tiếng/tuần từ nhiều năm trước và đó là trải nghiệm tích cực. Cô nói: “Đó là sáng kiến rất tốt đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi”.
Các quốc gia Mỹ Latin thuộc nhóm có giờ làm việc theo tuần cao nhất trên thế giới. Một số nước như Peru, Argentina, Mexico và Panama duy trì 48 giờ làm việc/tuần, trong khi Brazil là 44 giờ làm việc/tuần.
Giờ làm việc theo tuần kéo dài không đồng nghĩa với nâng cao năng suất. Người lao động Pháp chỉ làm việc 35 giờ/tuần nhưng lại có năng suất lao động cao nhất trong các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Nhiều quốc gia khác cũng đã thử nghiệm rút ngắn giờ làm việc theo tuần. Một trong số đó là Anh và việc thử nghiệm đã kết thúc vào đầu năm nay. Tham gia thử nghiệm có 61 công ty, kết quả thu được là làm việc 4 ngày/tuần giúp giảm căng thẳng cho người lao động và ít ảnh hưởng đến doanh thu. Phần lớn trong số 61 công ty đã quyết định duy trì lịch làm việc này sau khi thử nghiệm kết thúc.