Chạm vào “điều cấm kị”
Chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk đã đề xuất sửa đổi điều luật cấm phá thai của Ba Lan, hiện nghiêm cấm phụ nữ nước này bỏ thai vì bất kỳ lý do gì. Quy định mới sẽ cho phép phá thai khi thai kỳ không quá 12 tuần.
Quy định cấm phá thai hà khắc của Ba Lan, vốn được áp dụng triệt để từ 2020, đã gây ra làn sóng bất bình và phẫn nộ của phụ nữ. Cam kết của ông Donald Tusk về việc nới lỏng những hạn chế này là một trong những nhân tố mang lại chiến thắng cho đảng của ông trong cuộc bầu cử vào năm ngoái. Và giờ là lúc ông Tusk phải thực hiện lời hứa của mình.
Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đề này luôn được coi là “điều cấm kị” ở quốc gia Công giáo nặng nề như Ba Lan, đồng thời cũng gây chia rẽ sâu sắc trong liên minh cầm quyền.
Quy định cấm phá thai – 3 thập kỷ điều chỉnh
Ba Lan hiện là một trong số các quốc gia châu Âu có luật cấm phá thai hà khắc nhất. Thế nhưng ít ai biết rằng trước đó, Ba Lan từng rất thoải mái với quy định này.
Giáo hội Công giáo từng bị gạt ra ngoài lề xã hội Ba Lan và việc phá thai được hợp pháp hóa vào năm 1956. Phụ nữ được khuyến khích lao động và được trao quyền sinh sản tự do - một điều mà các nền dân chủ phương Tây khác chỉ chấp nhận nhiều thập niên sau đó.
Sự thay đổi lớn trong thể chế chính trị Ba Lan vào năm 1989 đã khiến Quốc hội đề xuất lệnh cấm phá thai, trước sức ép lớn từ Giáo hội Công giáo. Bất chấp sự chia rẽ trong xã hội, vào năm 1993, Quốc hội Ba Lan vẫn thông qua Luật Cấm phá thai trừ 3 trường hợp: Sức khỏe và tính mạng người mẹ bị đe dọa, thai nhi là sản phẩm của hành vi hiếp dâm hoặc loạn luân; thai nhi có dị tật.
Lệnh cấm trên thực tế không giúp làm giảm các vụ phá thai mà làm tăng các vụ phá thai chui. Các bác sĩ trước đây cung cấp dịch vụ miễn phí tại bệnh viện công nay tính phí rất cao cho thủ thuật này ở những phòng khám tư. Họ cung cấp dịch vụ thông qua quảng cáo ghi duy nhất số điện thoại và “mật mã” có chữ như “gây mê” và “an toàn”. Theo ước tính, số ca phá thai giảm xuống còn khoảng 1.000 ca/năm, nhưng con số thực tế tận 150.000.
Năm 1996, Quốc hội thông qua luật khôi phục quyền phá thai. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, Tòa án Hiến pháp Ba Lan hủy bỏ luật này, trích dẫn điều 38 trong Hiến pháp, trong đó ghi bảo vệ "sự sống của mỗi con người", để giải thích cho nghĩa vụ phải bảo vệ cả sự sống chưa ra đời.
Sau khi giành được quyền lực vào năm 2015, đảng Công lý và Luật pháp (PiS) theo đuổi chương trình nghị sự để áp dụng lệnh cấm gần như tuyệt đối việc phá thai. Một làn sóng phản đối bao trùm Ba Lan vào thời điểm đó. Dự luật để thúc đẩy lệnh cấm hai lần đưa ra Quốc hội đều thất bại. Tuy nhiên, lệnh cấm đã có hiệu lực sau khi Tòa án Hiến pháp can thiệp một lần nữa.
Vào năm 2020, Tòa án Hiến pháp tiếp tục siết chặt thêm quy định về phá thai khi phán quyết rằng, việc phá thai ở Ba Lan chỉ hợp pháp trong trường hợp hiếp dâm, loạn luân hoặc đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ - vốn chiếm khoảng 2% các vụ phá thai hợp pháp được thực hiện trong những năm gần đây. Còn phụ nữ sẽ không được phá thai ngay cả khi phát hiện ra thai nhi có dị tật.
Mặc dù luật pháp vẫn quy định 2 ngoại lệ trong lệnh cấm phá thai, nhưng trên thực tế, không có nhiều trường hợp sử dụng hai ngoại lệ này. Đối với nạn nhân hiếp dâm, họ cần phải có giấy chứng nhận từ công tố viên, và thủ tục này rất mất thời gian.
Trong khi đó, luật pháp vẫn cho phép phá thai nếu có rủi ro nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người mẹ. Nhiều chuyên gia nói điều luật không rõ ràng nên các bác sĩ không dám hành động.
Điều này đã gây ra hậu quả sâu rộng. Ngày nay rất ít người công khai kêu gọi trả lại đầy đủ quyền tự do phá thai. Bầu không khí chính trị ngạt thở liên quan đến quyền phá thai khiến các bác sĩ không dám hành động và phá thai chui gần như đã không còn hoạt động. Số lượng phụ nữ Ba Lan ra nước ngoài phá thai đã lên tới hàng nghìn người và dự kiến tăng hơn nữa. Thị trường chợ đen bán thuốc phá thai đang phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, những người bảo vệ lệnh cấm phá thai nói rằng vấn đề không nằm ở luật pháp mà là do tay nghề của bác sĩ. Còn với nhóm ủng hộ quyền phá thai, vấn đề rõ ràng nằm ở việc quyền tự quyết của phụ nữ đã bị xói mòn sau 3 thập niên.
Những hướng sửa đổi
Chính phủ của Thủ tướng Donald Tusk đề xuất một một hướng sửa đổi để đưa Ba Lan ngang hàng với hầu hết các nước thuộc Liên minh Châu Âu, theo đó, sẽ hợp pháp hóa việc phá thai cho đến tuần thứ 12 của thai kỳ hoặc trong trường hợp tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đảng đồng minh cánh tả Lewica.
Tuy nhiên, đảng Con đường thứ ba trong liên minh cầm quyền, một đảng trung hữu bao gồm các nhà lập pháp bảo thủ về mặt xã hội, đã đề xuất một cách tiếp cận khác, về cơ bản đưa luật pháp của Ba Lan trở lại như trước năm 2020. Cho đến lúc đó, việc phá thai chỉ được phép trong ba trường hợp: Nếu việc mang thai là kết quả của hành vi cưỡng hiếp hoặc loạn luân, nếu tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm hoặc trong trường hợp thai nhi có dị tật.
Các nhà lập pháp thuộc đảng Con đường thứ ba cũng ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý về những thay đổi đối với luật phá thai, một thủ tục có thể khiến quá trình sửa luật kéo dài mà Thủ tướng Tusk muốn tránh.
Vấn đề này đã bộc lộ những rạn nứt nghiêm trọng đầu tiên trong liên minh cầm quyền của ông Tusk, một liên minh được thành lập nhằm thay thế đảng PiS trong cuộc bầu cử năm ngoái, nhưng lại là một tập hợp các quan điểm trái chiều.
Tuy nhiên, liệu Thủ tướng Donald Tusk có thực hiện được lời hứa của mình về việc "chấm dứt bước lùi 3 thập kỷ về quyền tự quyết của phụ nữ" hay không, vẫn là một câu hỏi. Bởi ngay cả khi kế hoạch sửa đổi luật cấm phá thai được Quốc hộ thông qua, Thủ tướng Donald Tusk cũng phải vượt qua một cửa ai khác, đó là quyền phủ quyết của Tổng thống Andrzej Duda, một đồng minh bảo thủ của cùng chính quyền tiền nhiệm, người cho đến nay luôn chứng tỏ nỗ lực vô hiệu hóa mọi chương trình nghị sự của oogn Tusk.