TS.BS Hoàng Văn sinh năm 1976, quê Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Bắc Giang. Ông hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội - Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Tim mạch của Thủ đô Hà Nội, bệnh viện chuyên khoa Tim mạch tuyến cuối của cả nước. Ông cũng đảm nhiệm vai trò giảng viên kiêm nhiệm tại Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên.
Hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, TS.BS Hoàng Văn đã cùng các đồng nghiệp cứu sống rất nhiều ca bệnh, trong đó có những trường hợp “không ai ngờ có thể cứu sống”.
TS.BS Hoàng Văn cho rằng, áp lực lớn nhất, nhưng cũng là vinh quang lớn nhất của người bác sĩ Tim mạch - đó là giành lại mạng sống cho bệnh nhân.
Chọn trường Y vì muốn theo nghề của bố
- Thưa TS.BS Hoàng Văn, cơ duyên nào khiến ông đến với ngành Y và quyết định trở thành một bác sĩ chuyên khoa Tim mạch?
TS.BS Hoàng Văn: Ngay từ những năm cấp 2, tôi đã xác định sẽ thi vào trường Y, bởi muốn theo nghề của bố. Bố tôi là một bác sĩ trong quân đội, sau này chuyển về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lạng Giang. Từ bệnh viện huyện cách nhà tôi hơn 10 cây số. Mỗi cuối tuần, bố tôi lại đạp xe về nhà. Tôi còn nhớ mỗi lần ông về, nhà tôi luôn có rất đông các ông bà, cô bác hàng xóm sang xin thăm khám, điều trị. Bố tôi chữa khỏi cho nhiều người, được người dân trong làng yêu quý. Tôi cũng muốn mình được làm nghề có ích cho xã hội như ông.
Năm 1995, tôi thi đỗ bác sĩ Đa khoa của Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên. Bố mẹ tôi đều rất vui và ủng hộ.
Tốt nghiệp đại học, tôi xuống Hà Nội ôn thi nội trú, bắt đầu tìm hiểu kỹ về các chuyên ngành. Trong đó, tôi thấy Tim mạch là lĩnh vực khó nhưng rất thú vị và đang phát triển mạnh. Ví dụ như trước kia bị hẹp van hai lá, hẹp mạch vành hoặc tim bẩm sinh phải mổ mở mới điều trị được, nhưng thời điểm đó đã có những kỹ thuật tiên tiến như nong van 2 lá qua da hoặc nong, đặt stent động mạch vành,... mà không cần mổ mở.
Năm 2003, tôi thi đỗ nội trú chuyên ngành Tim mạch tại Trường Đại học Y Hà Nội. Tốt nghiệp nội trú năm 2006, tôi làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai, tới năm 2013 chuyển công tác sang Bệnh viện Tim Hà Nội.
- Một ngày của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch trôi qua như thế nào, thưa ông?
TS.BS Hoàng Văn: Với bác sĩ Tim mạch không tham gia phẫu thuật, không tham gia can thiệp thì cũng giống các chuyên ngành khác, ngày làm việc của bác sĩ bao gồm việc khám cho bệnh nhân, cho thuốc điều trị rồi sau khi bệnh nhân ổn thì cho ra viện. Đó là quy trình chung của bác sĩ nội khoa đơn thuần.
Đối với bác sĩ Tim mạch can thiệp thì ngoài khám, điều trị bệnh nhân, bác sĩ phải thực hiện can thiệp cho người bệnh - là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu. Khác với mổ mở phải rạch xương ức, bác sĩ Tim mạch can thiệp sẽ thông qua một ống thông rất nhỏ từ tay, từ bẹn vào quả tim để can thiệp những bệnh lý của người bệnh. Bác sĩ ngoại khoa cũng thực hiện chức năng tương tự bác sĩ nội khoa, nhưng thực hiện thêm các ca mổ sửa chữa bệnh lý của tim mạch cho người bệnh.
So với mổ mở, can thiệp tim mạch nhẹ nhàng hơn rất nhiều và giúp rút ngắn thời gian. Thông thường, một ca can thiệp đơn giản chỉ kéo dài 30 phút, ca phức tạp có thể lên tới 1-2 tiếng, thậm chí dài hơn. Trung bình 1 ngày, Bệnh viện Tim Hà Nội chúng tôi thực hiện từ 40-50 ca can thiệp cho bệnh nhân.
Áp lực lớn nhất là cứu sống người bệnh
- Đặc thù của bác sĩ Tim mạch có gì đặc biệt so với bác sĩ của những chuyên ngành khác? Theo ông, đâu là khó khăn, áp lực lớn nhất mà bác sĩ Tim mạch phải đối mặt?
TS.BS Hoàng Văn: Thực ra đã là bác sĩ, đã làm trong ngành y thì đều vất vả, mỗi lĩnh vực có những vất vả riêng. Chuyên khoa Tim mạch chúng tôi có một chút đặc thù. Chúng ta biết rằng quả tim khi đập sẽ đưa máu đi nuôi cơ thể, tim ngừng đập là tử vong. Con người cắt đi 1 lá phổi vẫn có thể sống, cắt đi 1 bên thận vẫn sống, nhưng tim ngừng đập thì không thể sống.
Đặc điểm của bệnh tim mạch lại xảy ra rất nhanh, khả năng đưa đến ngừng tim rất nhanh. Điều này đòi hỏi bác sĩ Tim mạch phải có phản ứng kịp thời và xử lý một cách rất quyết liệt thì mới cứu sống được tính mạng người bệnh. Nếu như phản ứng chậm trễ, không quyết liệt, không đúng thì nguy cơ tử vong của người bệnh rất cao. Ngoài kiến thức rất sâu về tim mạch, bác sĩ cũng phải có kiến thức nền rất tốt về các bệnh nội khoa khác mới có thể xử trí.
Áp lực lớn nhất của chúng tôi liên quan tới mạng sống của người bệnh. Với bệnh tim mạch, bệnh nhân khi ngừng tim đã cấp cứu có thể ngừng tim tiếp, đòi hỏi phải cấp cứu liên tục, quyết liệt và kết hợp rất nhiều phương pháp, rất nhiều kiến thức với nhau để duy trì nhịp đập cho quả tim.
Bác sĩ phải theo dõi cực sát sao, đặc biệt ở những bệnh nhân nặng để xử trí ngay khi có dấu hiệu bất thường. Nếu có bất thường mà không xử lý, chỉ chậm trễ vài phút thôi cũng dẫn đến cấp cứu không hiệu quả.
- Hơn 20 năm làm nghề, ông đã xử trí cấp cứu, điều trị khỏi cho rất nhiều ca bệnh. Đâu là ca bệnh ông ấn tượng nhất?
TS.BS Hoàng Văn:Tôi nhớ năm 2013, khi tôi vừa chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai về Bệnh viện Tim Hà Nội công tác. Có một bệnh nhân nam người Hải Dương vào cấp cứu do bị nhồi máu cơ tim. Buổi chiều hôm ấy chúng tôi đã can thiệp xong cho bệnh nhân, tới sáng hôm sau khi bác sĩ đang đi buồng, người bệnh đột ngột mất ý thức, ngừng tuần hoàn.
Chúng tôi ngay lập tức thay nhau ép tim. Kết quả siêu âm phát hiện máu đã lênh láng trong màng ngoài tim, kết luận bệnh nhân bị vỡ tim, phải mổ để khâu lại. Nếu chuyển bệnh nhân tới phòng mổ sẽ không kịp, chỉ còn cách thực hiện phẫu thuật ngay tại giường cấp cứu. Lúc này, chúng tôi huy động toàn bộ ê kíp ngoại khoa mang phương tiện phẫu thuật xuống để phẫu thuật tại chỗ cho người bệnh. Mọi thứ phải diễn ra rất nhanh. Và cuối cùng, như một phép màu, chúng tôi đã thành công.
Tôi nhớ khi đó, cảm giác vỡ òa, hạnh phúc lắm vì đã cứu sống được bệnh nhân mà không ai nghĩ có thể sống. Nhớ lại, tôi vẫn thấy hồi hộp cho khoảnh khắc ấy. Đến bây giờ, bệnh nhân này vẫn sống khỏe mạnh.
Một trường hợp khác chúng tôi từng xử trí, để lại cho tôi nhiều ấn tượng là bệnh nhân ngoài 80 tuổi, bị tắc mạch vành, tắc mạch chi dưới, ngón chân bắt đầu hoại tử do thiếu máu. Bệnh nhân tắc mạch nhiều tầng: cả tầng chậu, tầng trên gối, tầng dưới gối.
Đây là một ca bệnh rất khó, xử trí mất rất nhiều thời gian, cần rất nhiều dụng cụ. Chúng tôi phải xử trí cả động mạch chậu, động mạch đùi và động mạch tầng dưới gối, mất khoảng 6 giờ đồng hồ. Rất may sau đó, chúng tôi đã thành công và cứu được chân cho người bệnh. Trên thực tế, việc tắc mạch cùng lúc cả ba tầng như trên, tỷ lệ thành công không cao.
Tôi nghĩ động lực lớn nhất của mình khi làm nghề chính là làm sao cứu được người bệnh, điều trị khỏi cho người bệnh, đặc biệt là những ca nặng thập tử nhất sinh hay những ca khó như trên.
Nghề vất vả, nhưng cũng vinh quang!
- Vậy có những kỷ niệm nào đặc biệt với bệnh nhân mà ông nhớ? Có trường hợp nào nhiều năm sau khi điều trị khỏi vẫn còn nhớ tới ông hay không?
TS.BS Hoàng Văn: Có rất nhiều trường hợp như vậy. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhiều bệnh nhân vẫn nhắn tin hỏi thăm, nhớ đến mình, mặc dù tôi không thể nhớ ra họ là ai do số lượng bệnh nhân vào điều trị quá đông. Ngày lễ Tết, ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhiều bệnh nhân nhắn tin chúc mừng, có người gửi đặc sản từ nơi xa như cân chè, chai rượu quê. Tôi rất xúc động.
Thậm chí đầu năm nay, tôi nhận được tin nhắn của một bác bệnh nhân, chúc mừng tròn 3 năm ngày tôi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và cảm ơn tôi vì trước đây đã điều trị cho bác. Tôi rất bất ngờ khi bác vẫn nhớ cả ngày này.
- Có một thực tế rằng ngày nay, Tim mạch không còn là chuyên ngành “hot”, được nhiều bạn trẻ lựa chọn khi theo nghề Y, nếu so với những chuyên ngành như Da liễu, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hay Răng Hàm Mặt. Ông nghĩ gì về điều này? Theo ông, cần có giải pháp nào để thu hút được nhiều bác sĩ giỏi theo chuyên khoa Tim mạch?
TS.BS Hoàng Văn: Đúng là ở thời của tôi, Tim mạch là một trong những lĩnh vực khá “hot”, được nhiều sinh viên Y chọn theo học, nhưng hiện nay thì không được như vậy nữa.
Thực ra, cũng phải nhìn nhận rằng bác sĩ chuyên khoa Tim mạch rất vất vả, nhưng thu nhập không cao như chuyên ngành Thẩm mỹ, Răng Hàm Mặt… Trong ngành Tim mạch, nhiều bệnh cấp cứu mang tính “giờ vàng” - qua giờ vàng thì điều trị không hiệu quả. Đó là lý do với cấp cứu tim mạch, đêm cũng như ngày, ngày nghỉ cũng như ngày thường, bác sĩ phải vào xử lý để tận dụng giờ vàng.
Nhưng những vất vả đó lại cứu sống được nhiều người bệnh. Đó là điều rất vinh quang đối với người bác sĩ.
Tôi nghĩ rằng để thu hút nhiều bác sĩ giỏi gắn bó với chuyên ngành này, đầu tiên phải làm họ hiểu - hiểu rằng Tim mạch là chuyên ngành vất vả nhưng là lĩnh vực quan trọng, chuyên sâu và thực sự hay, rất đáng để học. Nếu nghiên cứu chuyên sâu và hiểu, sẽ rất yêu lĩnh vực này.
Nhiều người nghĩ rất đơn giản rằng tim mạch chỉ có quả tim và mạch máu. Thế thì có gì mà học? Nhưng thực tế có rất nhiều điều thú vị trong lĩnh vực này: từ bệnh liên quan đến cơ tim, bệnh lý liên quan mạch máu nuôi tim, bệnh lý liên quan đến động mạch chủ, động mạch ngoại biên, mạch chi, mạch tạng,... Càng đi vào sâu, càng tìm tòi sẽ càng thấy thú vị.
Tôi nghĩ rằng nếu hiểu được cả những vất vả, vinh quang, những điều thú vị của nghề, nhiều người vẫn sẽ chọn trở thành bác sĩ Tim mạch mà không chuyển sang ngành khác.
- Xin cảm ơn TS.BS Hoàng Văn đã chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân!