Cùng dự, về phía tỉnh Ninh Bình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Hoàng Hà; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Mai Hoa…
Kiến nghị quan tâm đồng bộ hạ tầng giao thông
Tại cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh đã thông tin với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ Bảy và các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp này.
Theo đó, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm cao, sau 27 ngày rưỡi làm việc, Kỳ họp thứ Bảy đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Trong đó, quyết định bầu Chủ tịch Quốc hội Khóa XV đối với ông Trần Thanh Mẫn; bầu Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Tô Lâm.
Đặc biệt, rất vinh dự và tự hào cho quê hương Ninh Bình, tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành bầu bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Quốc hội cũng đã phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lê Thành Long; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đối với bà Nguyễn Thanh Hải; phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Lương Tam Quang.
Với tinh thần thẳng thắn và tin tưởng, cử tri bày tỏ vui mừng về những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống của Nhân dân.
Bên cạnh đó, cử tri bày tỏ băn khoăn trước các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
Liên quan đến lĩnh vực hạ tầng giao thông, cử tri cho biết: Thời gian qua, huyện Yên Mô luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh Ninh Bình. Do đó, diện mạo đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của huyện một cách đồng bộ, an toàn, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024, cử tri mong muốn Trung ương và tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm khởi công, đầu tư dự án kết nối nút giao xã Khánh Hòa (huyện Yên Khánh) đến đê hồ Yên Thắng (huyện Yên Mô); trải nhựa tuyến đường từ xã Yên Phong đến hết địa phận huyện Yên Mô, giáp xã Lai Thành (huyện Kim Sơn).
Trước tình trạng lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua, một số cử tri cho rằng, hiện những chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng khá phổ biến với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, dẫn đến việc người dân ngại tiếp cận với ứng dụng chuyển đổi số vốn đem lại lợi ích rõ rệt.
Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng có công cụ hữu hiệu bằng pháp luật và các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo trên không gian mạng; quản lý chặt chẽ việc phát hành sim điện thoại, ngăn chặn triệt để việc sử dụng sim rác.
Đồng thời, yêu cầu các nhà mạng phải có biện pháp kỹ thuật để phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để, kịp thời các hoạt động trái pháp luật trên không gian mạng. Từ đó, ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm công nghệ cao qua mạng xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân, để Nhân dân yên tâm thực hiện công cuộc chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số…
Liên quan đến chế độ, chính sách với cán bộ, cử tri đề nghị Bộ Nội vụ ban hành quy định chi trả phụ cấp cho người giữ chức danh lãnh đạo của các hội đặc thù (không phân biệt người nghỉ hưu hay không nghỉ hưu).
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức theo hướng quy định cán bộ, công chức nhà nước có 4 cấp; đề nghị điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ngoài ra, cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền giao thêm biên chế tối thiểu bảo đảm ít nhất 50% nhu cầu tăng thêm hoặc giao chỉ tiêu hợp đồng để UBND huyện chủ động thực hiện trước thềm năm học mới 2024 - 2025; xem xét điều chỉnh phân vùng lương tối thiểu của huyện Yên Mô.
Cử tri đề nghị sửa đổi Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm quyền lợi. Hiện nay, những người này không được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động... gây thiệt thòi rất lớn đến quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản chi tiết thi hành các luật
Tại cuộc tiếp xúc, đại diện lãnh đạo sở, ngành, các đơn vị liên quan của tỉnh Ninh Bình đã làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị thuộc thẩm quyền.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cảm ơn và ghi nhận các ý kiến xác đáng, trách nhiệm của cử tri. Đồng thời, bày tỏ niềm vui trước sự phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình nói chung và huyện Yên Mô nói riêng, nhất là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; các chỉ số liên quan du lịch, nông nghiệp đều đạt kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Ninh Bình với mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Thông tin thêm về những nội dung cử tri và Nhân dân quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan thị trường bất động sản. Theo đó, các luật: Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản và hai điều (200 và 210) của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1.8.2024 - sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp tháng 1.2024.
Để chính sách mới của các luật trên sớm được triển khai trong thực tiễn, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ninh Bình tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa luật vào cuộc sống.
Với câu chuyện "an ninh mạng", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà cả thế giới hiện đang rất quan tâm. Không gian mạng đang gõ cửa từng gia đình, vừa là lợi thế để xã hội, con người phát triển, song cũng ảnh hưởng trái chiều nếu chúng ta không biết cách ứng xử một cách có văn hóa, sáng suốt. Vì vậy, trước khi các cơ quan nhà nước vào cuộc, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, trở thành những người sử dụng mạng xã hội thông thái.
Tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ một số kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác đầu tư hạ tầng giao thông; gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa…
Đối với đề nghị điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã; vấn đề liên thông công chức cấp xã với công chức cấp trên, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình sẽ tổng hợp chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.